Chính phủ ban hành quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị

Lê Sáng | 10:14 21/06/2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với nhiều điểm mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị.

Chính phủ ban hành quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị
Chính phủ ban hành quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị. Ảnh minh họa,nguồn - Int

Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 72/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

Theo đó, Nghị định 35 sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, bổ sung các khoản 4a, 4b, 4c và 4d vào sau khoản 4 Điều 14 - Nguyên tắc lập quy hoạch đô thị.

Cụ thể, các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết khi thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì phải lập quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (đối với trường hợp quy định phải lập quy hoạch phân khu), làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan.

Đối với các lô đất có quy mô nhỏ quy định tại khoản 4 Điều này thì được lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn (quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) theo quy định từ khoản 4a đến khoản 4d Điều này…

Các lô đất có quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện là lô đất do một chủ đầu tư thực hiện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập; có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư, khu chung cư.

Hoặc có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 10 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật (trừ công trình hạ tầng kỹ thuật theo tuyến) được xác định theo quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được phê duyệt hoặc có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 5 ha đối với các trường hợp còn lại; trong khu vực đã có quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc đã có quy hoạch chung được phê duyệt đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu…

Đồng thời quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và nội dung về quy hoạch xây dựng cũng được sửa đổi.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5, bổ sung các khoản 5a, 5b, 5c, 5d và 5đ vào sau khoản 5 Điều 10 - Nguyên tắc lập quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

Các khu vực trong khu chức năng thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, khi thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng (đối với trường hợp quy định phải lập quy hoạch phân khu xây dựng), làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan.

Đối với các lô đất có quy mô nhỏ quy định tại khoản 5 Điều này thì được lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy trình rút gọn (gọi là quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) theo quy định từ khoản 5a đến khoản 5đ Điều này.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác quy hoạch vaf phát triển đô thị tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi trong thời gian tới, cần triển khai hiệu quả Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỉ lệ đô thị hóa không đạt mục tiêu đề ra, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất, hạn chế tích tụ kinh tế; hệ thống đô thị phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng; đầu tư cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu đồng bộ, đai chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị cho phát triển đô thị...

Theo ông Hiển, thực tế này đang đặt ra cho các ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ như phát triển đô thị lớn thành các cực tăng trưởng; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách riêng về nhà ở cho khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp. Hạ tầng xanh, vật liệu xanh, công trình xanh trong phát triển đô thị; phân định rõ các vùng, ứng dụng cơ sở dữ liệu cho quy hoạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chính phủ ban hành quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO