Hai gã khổng lồ năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga là Gazprom và Rosneft đã có một khởi đầu rất hứa hẹn cho đến năm 2022. Chính phủ liên minh mới của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố kế hoạch mở một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới để bù đắp cho việc loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng năng lượng hạt nhân và than. Hai thực thể đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước Nga được cho là sẽ thu được rất nhiều lợi ích.
Vào thời điểm đó, Gazprom dự định mở rộng hoạt động cung cấp khí đốt tự nhiên của mình tới Đức - vốn đã là thị trường lớn nhất của họ, tiếp nhận 1/4 tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vừa hoàn thành vẫn có cơ hội được cấp phép hoạt động, bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ và một số đồng minh của Đức trong Liên minh châu Âu (EU).
Đến lượt mình, Rosneft cũng sắp nắm quyền sở hữu gần như hoàn toàn một nhà máy lọc dầu chủ chốt của Đức. Nhà máy này ở Schwedt, Brandenbur – chuyên cung cấp các sản phẩm xăng dầu cho thủ đô Berlin, sân bay mới đang được mở rộng của thành phố này và phần lớn miền đông nước Đức. Các thỏa thuận này đang chờ phê duyệt lần cuối nhưng không gặp phải trở ngại lớn nào.
Hai gã khổng lồ khí đốt Nga hoạt động trong tình trạng hỗn loạn
Tuy nhiên, năm 2022 đã kết thúc với việc khí đốt của Gazprom đến Đức bị dừng hoàn toàn và Berlin quốc hữu hóa công ty con Gazprom Germania cùng với các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của công ty này. Và cuối cùng, dự án Nord Stream 2 đã bị hủy bỏ. Tất cả những điều này là hậu quả của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai tại Ukraine.
Kể từ đó, Đức đã tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế để cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hai kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Đức đã bắt đầu hoạt động và đến mùa đông tới sẽ có ít nhất 6 kho cảng như vậy.
Rosneft đã mất quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Schwedt - hiện đang nằm dưới sự quản lý của nhà nước Đức và có khả năng bị tịch thu. Nhà máy lọc dầu phải ngừng xử lý dầu Nga từ ngày 31/12/2022 như một phần của lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU. Trong tương lai, Đức sẽ phải dựa vào các nhà cung cấp dầu mỏ khác, bao gồm cả Kazakhstan.
Theo DW, chỉ trong 10 tháng ngắn ngủi, hoạt động kinh doanh của Gazprom và Rosneft tại Đức đã “tan thành mây khói”. Việc đánh mất thị trường Đức béo bở có lẽ là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài” mô hình kinh tế tập trung vào châu Âu của Nga.
Thương mại của Nga từng hướng tới châu Âu
Theo DW, từ lâu, Nga đã nhận ra rằng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của họ - dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than cứng và kim loại - chủ yếu được bán sang châu Âu, đặc biệt là EU.
Đổi lại, châu Âu cung cấp máy móc và thiết bị để giúp hiện đại hóa nền kinh tế Nga, trong khi người Nga mua hàng xa xỉ của châu Âu.
Quyết định ưu tiên châu Âu không chỉ dựa trên khoảng cách địa lý. Mối quan hệ lịch sử và văn hóa cũng đóng một vai trò quyết định. Kể từ thời cai trị của Sa hoàng Peter I vào đầu thế kỷ 18, Nga đã coi mình là một phần không thể thiếu của châu Âu và coi các nước châu Âu là đối tác thương mại ưa thích của mình.
Hầu như tất cả các đường ống dẫn khí đốt, đường ống dẫn dầu, đường sắt, đường cao tốc và kết nối hàng không định hướng xuất khẩu của Nga đều hướng tới châu Âu. Việc hiện đại hóa các cảng dầu, than và container tại biển Baltic, Barents và Biển Đen cũng phụ thuộc vào việc duy trì giao thương với châu Âu.
Các nước châu Âu trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, mang theo vốn, công nghệ và kiến thức chuyên ngành. Điều này mang lại lợi ích cho các lĩnh vực dầu khí, sản xuất điện, chế tạo ô tô, thực phẩm và bán lẻ... của Nga. Các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng đầu tư mạnh vào Nga, nhưng Mỹ chưa bao giờ là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Moscow như châu Âu.
Mất thị trường EU sẽ là thiệt hại nặng nề
Nhiều công ty châu Âu đã rời khỏi Nga hoàn toàn, trong khi những công ty khác ít nhất đã tạm dừng các khoản đầu tư của họ. Các công ty này hành động vì lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, để bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình, cũng vì điều kiện kinh doanh ở Nga ngày càng xấu đi.
Tuy nhiên, DW nhận định, thiệt hại lớn nhất là mất thị trường xuất khẩu chính của Nga. Đòn đau nhất là lệnh cấm vận của EU đối với việc vận chuyển dầu từ Nga bằng đường biển có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 và tác động của nó sẽ còn lâu dài. Vào tháng 8/2022, Brussels đã loại ngành công nghiệp than đá của Nga khỏi thị trường châu Âu. Cho đến gần đây, các nước EU đã mua khoảng hơn một nửa lượng than xuất khẩu của Nga. Đến tháng 2/2023, việc áp trần giá đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga dự kiến sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa.
Trong khi đó, theo DW, Gazprom đã phải chịu nhiều thiệt hại dưới tay Điện Kremlin hơn là châu Âu, sau khi Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng khí đốt của Nga phải được thanh toán bằng đồng Rúp. Vào mùa hè vừa qua, việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 của Gazprom tới Đức bị hạn chế nghiêm trọng, trước khi bị dừng hoàn toàn vào tháng 8/2022, khiến châu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu khí sưởi trong mùa đông.
Hai công ty Đức đang có kế hoạch kiện Gazprom vì vi phạm hợp đồng do cung cấp thiếu một lượng lớn khí đốt. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc giải quyết thiệt hại dự kiến lên tới hàng tỷ USD chắc chắn sẽ là một rào cản khác, ngoài những rào cản chính trị, đối với việc đưa khí đốt qua đường ống dẫn khí của Nga trở lại Đức vào một thời điểm nào đó.
Nga thiếu thời gian, tiền bạc và công nhân lành nghề
DW nhận định, thị trường khí đốt của Nga có thể rơi vào khủng hoảng sâu sắc do mất nguồn cung từ châu Âu. Mặc dù Moscow có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu và than sang châu Á, nhưng các đường ống dẫn khí đốt của nước này đều đang hướng về phía tây và không hề đơn giản để chuyển hướng sang phía đông.
Điện Kremlin nói sẽ xây dựng các đường ống dẫn khí mới tới châu Á, nhưng Nga thiếu thời gian, tiền bạc và công nhân lành nghề. Moscow đang nhanh chóng đốt hết nguồn dự trữ tài chính của mình để tài trợ cho cuộc chiến, trong khi nhiều thanh niên có sức khỏe tốt đang ở tiền tuyến.
Theo DW, trong tương lai, Moscow sẽ phải rất nỗ lực để tìm ra giải pháp thay thế cho mô hình kinh doanh hướng tới châu Âu của mình, khiến ngày càng nhiều người Nga cảm thấy khó khăn.