Chị Lê Thị Nhanh, một nhân viên tại một công ty công nghệ chia sẻ, tranh thủ vừa nhận thưởng tết và lãi suất còn đang cao nên chị đã quyết định hạn chế chi tiêu và đưa tiền nhiều hơn vào ngân hàng.
“Năm nay thưởng Tết của mình 180 triệu. Mọi năm mình sẽ trích một phần thưởng tết để chi tiêu sau đó mới tính đến chuyện gửi ngân hàng. Tuy nhiên, năm nay do lãi suất đang cao nên mình sẽ chọn ưu tiên gửi tiền trước. Ngoài ra, mình cũng đang có một khoản 330 triệu từ tiền kinh doanh nhàn rỗi, nếu nhập thêm phần lớn thưởng Tết vào thì mình có thể được một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, đi gửi tiền cũng sẽ được nhiều ưu đãi hơn”, chị Nhanh chia sẻ.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Đông, ngụ tại quận 7, TP.HCM cũng đã quyết định chọn phân bổ phần lớn tiền thưởng tết vào tiền gửi.
“Năm nay, riêng thưởng Tết của mình là 50 triệu của cộng thêm của bà xã và khoản dành dụm trước đó thì gia đình mình đang được khoảng 800 triệu. Hiện tại các thị trường đầu tư đang khó khăn, lãi suất tiết kiệm lại đang ở mức cao, nên mình quyết định để hết vào tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và chờ đợi những cơ hội”, anh Đông chia sẻ.
Trường hợp của anh Đông và chị Nhanh đang rất phổ biến hiện nay. Một khảo sát mới đây trên 1.560 người của Cimigo cũng cho thấy, lượng người có dự định gửi tiết kiệm trong thời gian tới đã tăng lên. Cụ thể, có 23% đáp viên trả lời đã có sổ tiết kiệm và 27% cho biết dự định sẽ mở ít nhất một tài khoản thanh toán hoặc tiết kiệm trong vòng 12 tháng tới.
Ở phía ngân hàng, chị Lý Ánh Hồng, một giao dịch viên tại quận 6, TP.HCM cho biết, “Cách đây khoảng 1 tháng, mình đã rất vất vả với chỉ tiêu huy động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công việc cũng đã được giảm tải hơn rất nhiều. Chủ yếu là nhờ lượng tiền từ các khách hàng đã nhận thưởng Tết”.
Chị Nguyễn Thùy Linh, một chuyên viên huy động khác lại hồ hởi chia sẻ, “Tính đến thời điểm hiện tại mình đã vượt KPI huy động tháng 1. Dự kiến tháng này mình có thể đứng nhất chi nhánh về thu hút tiền gửi. Để có được kết quả này, mình đã phải chuẩn bị từ hồi tháng 12 và làm việc liên tục không nghỉ Tết Dương lịch. Chủ yếu là mình đi tìm các doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng tết và đi chào mời các sản phẩm tiết kiệm cho các nhân sự ở đó. Một phần nữa là nhờ hiện tại app của ngân hàng rất hiện đại, khách hàng chỉ cần nhập mã của tư vấn viên là có thể nhận ngay ưu đãi và mình thì được tính KPI nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Phạm vi hoạt động của mình nhờ đó cũng không chỉ bị bó hẹp trong một số khu vực”.
Một giám đốc chi nhánh ngân hàng tại quận 4, TP.HCM cũng chia sẻ, từ cuối quý 3/2022, đơn vị này đã phải gặp áp lực kinh doanh rất lớn. Vì bên cạnh việc phải đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp dịp cao điểm cuối năm, điểm giao dịch còn phải cân đối với việc hoàn thành chỉ tiêu huy động.
“Trước đây, mặc dù chi nhánh đã phải tăng lãi suất huy động và đi kèm với nhiều hình thức khuyến mãi riêng biệt nhưng vẫn rất khó tìm được khách hàng gửi tiền. Thời điểm hiện tại, tình hình có phần bớt căng thẳng hơn chủ yếu do dòng tiền thưởng Tết từ các khách hàng cá nhân đã quay lại”, vị giám đốc chi nhánh này cho biết.
Theo các chuyên gia, dịp cuối năm là lúc người lao động đã nhận được lương và thưởng sau một năm vất vả làm việc. Mặt khác, phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư cũng sẽ dừng lại trong những ngày Tết. Nhờ vào sự phát triển của ngân hàng điện tử, để tiền ở các nhà băng có thể sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của người dân trong giai đoạn này.
Về trung và dài hạn, đại dịch đã làm cho tích lũy của người dân vơi đi đáng kể. Đồng thời, nhiều dự báo kinh tế cũng đang cho thấy năm 2023 sẽ là năm nhiều thách thức đối với các nền kinh tế toàn cầu. Thời gian tới, người dân có thể sẽ có xu hướng thận trọng hơn trong việc chi tiêu, tập trung vào việc gia tăng tiết kiệm giảm tiêu dùng tiêu khiển. Tiền gửi trong hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tiếp tục tăng lên.