Chi Quỹ bình ổn bù vào chênh lệch chi phí nhập khẩu có ổn định được nguồn cung xăng dầu?

PV | 12:31 25/10/2022

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đề xuất để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ cần lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Chi Quỹ bình ổn bù vào chênh lệch chi phí nhập khẩu có ổn định được nguồn cung xăng dầu?
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất chi Quỹ bình ổn bù vào chênh lệch của premium nhập khẩu. (Ảnh: Int)

Đây là một trong những đề xuất của đại diện phía doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tại Hội nghị giữa Bộ Công Thương, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu mới được tổ chức.

Điểm mặt 6 doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu

Thời gian vừa qua, tại một số điểm bán xăng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đóng cửa, nhiều người tham gia giao thông, đơn vị sản xuất kinh doanh đều không mua được xăng. Điều này đã gây nên bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Tại cuộc họp ở Bộ Công Thương mới đây, báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu 9 tháng đầu năm 2022, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước thông tin, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng gần 21 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Các đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất đạt hơn 17,2 triệu m3/tấn.

Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao.

Nhữngdoanh nghiệp đạt khối lượng thực hiện lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 99,6% đối với xăng, 95,9% đối với diesel; Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP đạt 100,3% đối với xăng, 83,4% đối với diesel; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh đạt 93,2% đối với xăng, 167,0% đối với diesel; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp đạt 96,2% đối với xăng, 74,9% đối với diesel..

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đã chỉ rõ một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Doanh nghiệp kêu lỗ lớn

Nói về việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa phương, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khách quan, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm.

Bên cạnh đó, do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn nên không có chính sách nào có thể bao phủ để kịp thời thích ứng với biến động giá cả và tình hình địa chính trị thế giới trong năm 2022.

Về nguyên nhân nội tại, ông Bảo cho hay, chi phí từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi.

Tiếp theo là chi phí tạo nguồn, bao gồm giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước… Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.

Đơn cử, đối với chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp rất ngần ngại vì lỗ rất lớn.

Trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Để hoàn thành chỉ tiêu Bộ giao, chắc chắn doanh nghiệp phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong quý IV thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD. “Như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được”, ông Bảo phân tích.

Các giải pháp

Ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

"Bộ Công thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp", ông Bảo kiến nghị.

Để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết.

Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu từ 1/1/2023, các doanh nghiệp phải triển khai ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công thương đến với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối để minh bạch thông tin, quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chi Quỹ bình ổn bù vào chênh lệch chi phí nhập khẩu có ổn định được nguồn cung xăng dầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO