Chi hơn 1.522 tỷ đồng trả cổ tức, tỷ lệ nợ xấu của VIB đang cao nhất nhóm ngân hàng "đồng trang lứa"

Lê Sáng | 08:29 16/01/2024

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa quyết chi hơn 1.522 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt trong khi đang có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất nhóm các ngân hàng thương mại có vốn hóa từ 1,5 - 2,5 tỷ USD.

Chi hơn 1.522 tỷ đồng trả cổ tức, tỷ lệ nợ xấu của VIB đang cao nhất nhóm ngân hàng "đồng trang lứa"
Chi hơn 1.522 tỷ đồng trả cổ tức, tỷ lệ nợ xấu của VIB hơn hẳn các ngân hàng "đồng trang lứa"

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện việc chi trả tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 6% năm 2023. Theo đó, cổ đông VIB nhận được cổ tức bằng tiền ở mức 6% so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

co-tuc.jpg
Nguồn: HNX

Động thái này diễn ra sau khi VIB hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%.

Như vậy với 2.536.807.534 cổ phiếu đang niêm yết, VIB sẽ chi ra khoảng hơn 1.522 tỷ đồng để thực hiện lần tạm ứng cổ tức này.

Là ngân hàng tiên phong chi trả cổ tức trong năm 2024 cũng như đã phần nào hé lộ kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2023, tuy nhiên, dựa trên số liệu trên báo cáo tài chính, các nhà đầu tư lại khá bất ngờ khi tỷ lệ nợ xấu của VIB ở mức cao nhất nhóm các ngân hàng thương mại có vốn hóa từ 1,5 - 2,5 tỷ USD.

untitled-1.jpg
Nguồn:  Intelligent Money

Cụ thể hơn về phân loại các ngân hàng theo quy mô vốn hóa (đã niêm yết) của giới đầu tư, nhóm 1 là 3/4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước nằm trong nhóm “big 4” gồm VietcomBank, BIDV, VietinBank. Nhóm này có quy mô vốn hóa từ 150.000 - 500.000 tỷ đồng (5-20 tỷ USD).

Nhóm 2 là các ngân hàng thương mại lớn có quy mô vốn hóa từ 100.000 - 150.000 tỷ đồng (4-6 tỷ USD) gồm các ông lớn như VPBank, Techcombank, MB và ACB.

Nhóm 3 là các ngân hàng có vốn hóa từ 40.000 tỷ đồng - 60.000 tỷ đồng (1,5-2,5 tỷ USD) gồm các tên tuổi như HDBank, SeABank, SacomBank, VIB, SHB, LPBank, TPBank.

Nhóm 4 là các ngân hàng có quy mô vốn hóa dưới 40.000 tỷ đồng (dưới 1,5 tỷ USD) gồm các ngân hàng EximBank, OCB, MSB, BacA Bank, NCB.

vib-ok.png
Nguồn:  Intelligent Money

Với cơ cấu phân nhóm như trên, từ số liệu báo cáo tài chính cập nhật mới nhất đến nay (quý III/2023) cho thấy VIB hiện là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng cao nhất nhóm 3, ở mức khoảng 3,68%.

Cụ thể, tại ngày 30/9/20239.040 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn 3.057 tỷ đồng; nợ nghi ngờ 4.673 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn 1.308 tỷ đồng. So với dư nợ cho vay khách hàng ở mức 245.630 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của VIB ở mức khoảng 3,68%.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,68%, cao hơn đáng kể các ngân hàng có tên trong nhóm 3 gồm: HDBank, SeABank, SacomBank, SHB, LPBank, TPBank.

Đáng chú ý, mức nợ cần chú ý của VIB tại thời điểm kết thúc quý III/2023 ở mức hơn 15.841 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 10.154 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022.

Đây có thể sẽ là thách thức lớn với lợi nhuận và tăng trưởng của VIB khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024.

Cổ phiếu VIB “xanh mướt” sau nhiều tin tích cực

Trên thị trường, kết phiên giao dịch ngày 15/1, thị giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quốc tế (HNX:VIB) đóng cửa ở mức 21.200 đồng/cổ phiếu (tăng 0.71%) là cổ phiếu hiếm hoi giữ được sắc xanh trong bối cảnh các chỉ số chính đều giảm điểm và thị trường chìm trong sắc đỏ.

vib-ck.jpg
Nguồn: Fireant

Trong 1 tháng qua, thị giá của VIB liên tục tăng khi ngân hàng này công bố kế hoạch tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cũng như hé mở những thông tin cho thấy kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2023.

Cụ thể, thông tin về kế hoạch tạm ứng cổ tức lần này, VIB cho biết, kết thúc quý III/2023, nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng là 7.133 tỷ đồng. Theo quy chế tài chính, VIB sẽ trích lập tối thiểu 15% nguồn lợi nhuận sau thuế trong năm cho các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu (bao gồm 5% cho quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ và 10% cho quỹ dự phòng tài chính), số tiền trích lập các quỹ tính trân lợi nhuận 3 quý đầu năm 2023 là 992 tỷ đồng.

Như vậy, nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi thực hiện trích lập các quỹ là 6.141 tỷ đồng, do đó VIB có thể sử dụng một phần số tiền này để thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ tạm ứng cổ tức tiền mặt trên vốn điều lệ là 6% và vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn về vốn và thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, VIB dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 là 8.640 tỷ đồng và nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 dự kiến đạt 9.159 tỷ đồng. Điều đó, giúp VIB có thể chủ động thực hiện việc tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 6% mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn vốn chủ sở hữu và tiếp tục đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn, nguyên tắc kế toán theo quy định.

Trước đó, VIB là ngân hàng đầu tiên thực hiện chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023. Hồi đầu năm, nhà băng này đã chi gần 2.108 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5% cho cổ đông vào ngày 3/3. Sau đó tiếp đến ngày 5/5, VIB tiếp tục trả cổ tức tiền mặt năm đợt 2 với tỷ lệ 10%. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023 mà VIB thực hiện lên tới 15%. Trong năm 2023, VIB cũng đã hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% để nâng vốn điều lệ thêm 4.215 tỷ đồng lên mức 25.292 tỷ.

Được biết trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 8.324 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.660 tỷ đồng. Như vậy, ước tính trong quý 4/2023, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 1.980 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chi hơn 1.522 tỷ đồng trả cổ tức, tỷ lệ nợ xấu của VIB đang cao nhất nhóm ngân hàng "đồng trang lứa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO