Kể từ khi xung đột diễn ra, đã có nhiều biện pháp trừng phạt về năng lượng được đưa ra như cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga của Mỹ. Tuy nhiên biện pháp này có vẻ chưa mang đến tác dụng lớn vì các chuyến hàng dầu đã được chuyển hướng sang Trung Quốc, Ấn Độ và những người mua khác đang khao khát mua được dầu Nga với gía chiết khấu cao.
Tính đến tháng 11, sản lượng dầu thô của Nga chỉ thấp hơn khoảng 2% so với trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Vào ngày 5/12 tới đây, EU sẽ tiến hành một lệnh cấm vận đối với hầu hết các loại dầu của Nga. Bất kể ai là người mua cuối cùng, gần như tất cả số dầu đó trước tiên phải qua tay các thương nhân, công ty vận chuyển và công ty bảo hiểm có trụ sở tại Châu Âu hoặc Vương quốc Anh.
Một lệnh cấm vận hoàn toàn của EU có thể cắt đứt 10% nguồn cung dầu toàn cầu chỉ sau một đêm, với những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu. Để ngăn chặn điều đó, các chủ hàng và công ty bảo hiểm châu Âu giờ đây sẽ được phép bỏ qua lệnh cấm vận nếu họ đồng ý chỉ giao dịch với dầu của Nga dưới mức giá quy định cho mỗi thùng.
Về lý thuyết, mức trần giá đó phải đủ cao để Nga vẫn được khuyến khích khoan, nhưng thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường để nó tạo ra một vết lõm nghiêm trọng trong lợi nhuận của Nga. Tuy nhiên trong các cuộc đàm phán vào ngày 23 tháng 11, các nhà ngoại giao EU đang thảo luận về đề xuất mức giá trần khoảng 65-70 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá này gần tương đương với giá mà Nga đang bán, theo Bloomberg.
Ba Lan và các thành viên khác của khối cho rằng mức giá trên vẫn quá cao và đề xuất mức giá 20 USD/thùng. Bất kể mức giá nào được thông qua, có thể thấy các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang cố gắng thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn sự bất ổn hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của EU cũng có vẻ lo lắng về mức trần giá mới được đàm phán trong tuần này đối với khí đốt tự nhiên. Nhập khẩu khí đốt từ Nga không bị cấm vận ở EU, tuy nhiên nguồn cung đã bị cắt giảm đáng kể như một phần trong chiến lược trả đũa của Nga, làm tăng hóa đơn điện và sưởi ấm gia đình trên khắp châu Âu.
Mức trần khí đốt mới có ý nghĩa như một biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý sẽ ngăn không cho giá khí đốt tăng cao hơn, hạn chế cú sốc đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên mức giới hạn được đề xuất—275 euro/MWh - mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với mức giá trước khi xung đột xảy ra. Giới hạn đó sẽ được đàm phán thêm và có thể được sửa đổi vào ngày 24 tháng 11 theo giờ địa phương.
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã giảm trong thời gian gần đây do châu lục này đã gần lấp đầy các kho dự trữ khí đốt và nhiệt độ gần đây ấm hơn bình thường.
Theo Quartz, Bloomberg