Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán: VEA) có thể coi là doanh nghiệp lớn hàng đầu trong ngành ô tô ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Chỉ xét theo giá trị trên sàn chứng khoán, vốn hóa VEAM đạt ngưỡng gần 57.700 tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD (chốt phiên 3/10).
VEAM Corp là một doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp (Bộ Công thương đang nắm giữ 88,47% vốn). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và bán ô tô tải lại khá mờ nhạt, giá trị của VEAM chủ yếu nằm ở những khoản đầu tư của doanh nghiệp này tại những hãng xe tên tuổi.
Hiện VEAM nắm 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam. Từ đây, doanh nghiệp thu lợi từ khoản đầu tư thông qua phần lợi nhuận được chia, cộng thêm cổ tức tiền mặt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Câu chuyện niêm yết cổ phiếu vẫn đang ở "trên giấy"
Dù khá lớn mạnh, doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE. Lần đầu tiên vấn đề niêm yết cổ phiếu VEA được đưa ra lấy ý kiến là tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, nhưng sau 6 năm đây vẫn là "câu chuyện trên giấy".
Thực tế, đây là nội dung không mới, điều đáng nói là vấn đề này được nêu ra đều đặn tại hầu hết các kỳ đại hội cổ đông thường niên các từ năm 2018 nhưng đến nay kế hoạch này vẫn không được thực hiện.
Thậm chí, nếu như năm 2018 và 2019, đại hội cổ đông đều thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) thì từ năm 2020 trở đi, VEAM thậm chí còn trình đại hội cổ đông kế hoạch niêm yết với 2 “ẩn số” lớn là không có thời điểm niêm yết và không rõ niêm yết trên sàn nào.
Tại ĐHĐCĐ tháng 6/2024 vừa qua, VEAM đã nhắc lại kế hoạch niêm yết trên HOSE/HNX. Tuy nhiên, sau các sáng kiến trích lập dự phòng, vẫn còn tồn tại các ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên trong báo cáo tài chính, khiến cổ phiếu không đủ điều kiện chuyển sàn.
Trong khi đó, một trong những quy định chung để được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán là cáo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện niêm yết.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Vietcap nhận định rằng kế hoạch niêm yết trên HOSE/HNX là không chắc chắn do vẫn còn các ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về báo cáo tài chính đã kiểm toán nửa đầu năm 2024, việc giải quyết những vấn đề này sẽ tốn nhiều thời gian của VEA.
Năm 2023, VEA đã trích lập dự phòng cho các khoản cho vay/phải thu quá hạn đối với các công ty con với số tiền 602 tỷ đồng, và ban lãnh đạo cho biết đã và đang thực hiện tái cấu trúc các công ty con của VEA nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Cụ thể, VEA chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho xe tải lỗi thời trị giá 72 tỷ đồng; VEA chưa đánh giá sự suy giảm của khoản đầu tư vào "Matexim" (công ty con của VEA), bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao và phí thuê đất cho nhà máy sản xuất sắt xốp trị giá 453 tỷ đồng. Thêm vào đó, VEA chưa đánh giá sự suy giảm của khoản đầu tư vào "VEAMTHD" (công ty con của VEA) trị giá 44 tỷ đồng.
"Ngồi không" cũng hưởng hàng nghìn tỷ từ Honda, Toyota, Ford
Nhìn lại kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt hơn 1.900 tỷ, song LNST của VEAM lại cao gần gấp đôi với 3.258 tỷ. Nguyên nhân chính do phần lãi từ công ty liên doanh liên kết đóng góp gần 2.866 tỷ đồng, trong đó Honda mang lại 2.666 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngoài ra, theo BCTC công ty mẹ, VEAM còn nhận về gần 5.100 tỷ cổ tức từ Honda Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Các năm trước, khoản tiền cổ tức từ Honda cộng thêm Toyota và Ford cũng lên tới hàng nghìn tỷ.
Chứng khoán Vietcap cho rằng tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ của Honda tăng mạnh là nhờ vào sự cải thiện giá bán các dòng xe máy của hãng, với đóng góp của các sản phẩm nâng cấp và sản phẩm mới vào cơ cấu doanh số.
Trong năm 2024, nhóm phân tích Vietcap dự báo tăng trưởng 2% so với cùng kỳ đối với doanh thu bán xe máy tại Việt Nam, nhờ kỳ vọng chi tiêu của người tiêu dùng phổ thông sẽ dần phục hồi. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong năm 2024 của VEAM được dự báo ở mức 6.337 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm ngoái.
Trong 8 tháng đầu 2024, doanh số bán xe máy của Honda đã tăng 1% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức giảm 6% trong nửa đầu năm 2024. Ngoài ra, Vietcap dự kiến thị phần xe máy của Honda sẽ tiếp tục thống lĩnh và tăng từ 83% trong năm 2023 lên 85% vào năm 2028 nhờ vào thương hiệu mạnh, danh mục sản phẩm đa dạng và mạng lưới đại lý rộng khắp.
Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP nhằm áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất và lắp ráp trong nước trong 3 tháng, từ ngày 01/9/2024 đến ngày 30/11/2024.
Ngoài các chương trình khuyến mãi đang diễn ra của các nhà sản xuất ô tô, Vietcap tin rằng chính sách này sẽ giúp hỗ trợ niềm tin của người tiêu dùng trong nửa cuối năm 2024 và dự báo doanh số bán lẻ ô tô du lịch sẽ tăng 10% so với cùng kỳ trong năm 2024 (so với mức tăng 1% trong 8 tháng đầu 2024).
Nhờ vậy, về thị phần ô tô, Vietcap dự báo Honda sẽ duy trì thị phần và Ford sẽ giành thêm thị phần nhờ giá cả cạnh tranh trong khi Toyota dự kiến sẽ mất thị phần.
Vietcap đưa ra dự báo doanh số bán lẻ xe ô tô năm 2024 của Honda/Ford tại Việt Nam sẽ lần lượt tăng 11%/7% so với cùng kỳ. Theo quan điểm của nhóm phân tích, cả Honda và Ford, với tỷ lệ đóng góp xe nhập khẩu linh kiện rời (xe lắp ráp trong nước - CKD) tương ứng là 54%/72% trong 8T 2024, sẽ được hưởng lợi đáng kể từ chính sách giảm phí trước bạ của Chính phủ.
Ngoài ra, doanh số của Toyota dự kiến sẽ giảm 6% so với năm 2023 do cạnh tranh với các thương hiệu có giá cả phải chăng hơn như Kia, Honda và Mitsubishi.