Chân dung hệ sinh thái đứng sau Dự án gang thép gần 2,6 tỷ USD, xứng tầm "đối thủ" của Hòa Phát Dung Quất?

An Vũ | 11:10 05/06/2023

Khu liên hợp Gang thép Long Sơn nằm tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được cấp chủ trương đầu tư vào hồi tháng 11 năm ngoái với công suất 5,4 triệu tấn/năm sau khi được triển khai sẽ trở thành "đối thủ" nặng ký của Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (6 triệu tấn) sau điều chỉnh.

Chân dung hệ sinh thái đứng sau Dự án gang thép gần 2,6 tỷ USD, xứng tầm "đối thủ" của Hòa Phát Dung Quất?

Ngày 30/5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tổ chức buổi thông tin chủ trương dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn (gọi tắt là dự án Long Sơn).

Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế Bình Định - thông tin được lãnh đạo Bình Định khẳng định tại buổi thông tin chủ trương dự án.

Dự án bao gồm nhà máy sản xuất thép với công suất 5,4 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 53.500 tỷ đồng và cảng chuyên dụng cho nhà máy thép dự kiến có tổng vốn 6.800 tỷ đồng nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Khu liên hiệp gang thép Long Sơn đúng tiến độ.

Tính cả 2 dự án thì tổng vốn đầu tư lên đến 60.300 tỷ đồng, tương đương gần 2,6 tỷ USD.

Dự án do Công ty cổ phần Gang Thép Long Sơn Phù Mỹ làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 05/7/2021, có địa chỉ tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vốn điều lệ ban đầu của Long Sơn Phù Mỹ là 100 tỷ đồng, người đại diện pháp luật của công ty là ông Trịnh Quang Hải (sinh năm 1968).

Cơ cấu cổ đông của công ty chiếm tới 96% vốn góp là Công ty TNHH Long Sơn có địa chỉ tại Phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

2 cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Thành Trung và Trịnh Quang Hải mỗi người chiếm 2% vốn góp.

Công ty TNHH Long Sơn là một doanh nghiệp nổi tiếng ở Ninh Bình - Thanh Hóa gắn với tên tuổi của đại gia Trịnh Quang Hải cùng 3 lĩnh vực kinh doanh chủ yếu: sản xuất xi măng, xuất nhập khẩu và vận tải biển.

Theo tìm hiểu, vốn điều lệ theo thay đổi gần nhất của Công ty TNHH Long Sơn là 2.213 tỷ đồng, với 3 thành viên góp vốn là cá nhân, trong đó ông Trịnh Quang Hải chiếm 87,23% vốn góp.

Theo giới thiệu trên website, Nhà máy xi măng Long Sơn được xây dựng tại phường Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với 4  dây chuyền đồng bộ tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm. Đây là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của công ty TNHH Long Sơn và góp phần tạo nên cụm công nghiệp xi măng lớn nhất tại thị xã Bỉm Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Nhà máy Xi măng Long Sơn tại tỉnh Thanh Hóa thuộc sở hữu của Công ty Long Sơn. (Ảnh: Long Sơn).

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Thanh Hoá, năm 2020, Nhà máy xi măng Long Sơn sản xuất 5,35 triệu tấn Clinker, 7,18 triệu tấn xi măng. Tiêu thụ 7,12 triệu tấn xi măng, 0,696 triệu tấn Clinker; doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng dự án trạm nghiền xi măng công suất 2 triệu tấn/năm sử dụng nguồn clinker của dây chuyền 3 – dự kiến đưa dự án vào vận hành sản xuất cuối tháng 5/2021.

Bên cạnh trụ sở chính đặt tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, nhà máy xi măng Long Sơn còn có 01 chi nhánh đặt tại Khu Công Nghiệp Khánh Phú, Tỉnh Ninh Bình; 01 chi nhánh tại KCN Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa. 

Ngoài ra còn có 01 chi nhánh nhà máy đóng bao và Trạm phân phối xi măng Long Sơn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và 01 nhà máy đóng bao Xi Măng Long Sơn tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Về xuất nhập khẩu: Long Sơn hiện đã và đang xuất khẩu những sản phẩm clinker chất lượng cao đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo doanh nghiệp cho biết, đây là thế mạnh giúp Long Sơn đẩy mạnh quá trình sản xuất, thuận lợi trong giao thương và vươn xa thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Về vận tải biển: Được biết đến là một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ vận tải, Long Sơn có thế mạnh nền tảng trong ngành logistic cả về đường bộ lẫn đường thủy. Theo thông tin tự giới thiệu, Long Sơn sở hữu hệ thống cảng biển tại Nghi sơn – Thanh Hóa; Ninh Thủy – Khánh Hòa; Bến Lức- Long An và Thành phố HCM cùng hệ thống xe vận tải, tàu vận tải chuyên nghiệp, kho bãi trải dài từ Bắc tới Nam.

Ngoài ra, Công ty xi măng Long Sơn, một công ty trong hệ sinh thái Long Sơn của doanh nhân Trịnh Quang Hải còn là chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp Long Sơn Bãi Ngọc tại khu bến cảng tổng hợp Nam Nghi Sơn tiếp giáp biển Đông Việt Nam. 

Nguồn: Báo Thanh Hóa.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, trên diện tích 28 ha, bao gồm 4 bến cảng với tổng chiều dài 1.000m. Tiêu chuẩn cảng cấp 1, cho phép tiếp nhận tàu cập cảng lên đến 100 nghìn tấn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chân dung hệ sinh thái đứng sau Dự án gang thép gần 2,6 tỷ USD, xứng tầm "đối thủ" của Hòa Phát Dung Quất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO