Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng ngày 25/5, tại Thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Malaysia nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp này có Grab.
Gặp Thủ tướng, ông Anthony Tan, CEO và đồng sáng lập của Tập đoàn Grab khẳng định, Việt Nam là một thị trường quan trọng của Grab. Đồng thời, CEO Grab cam kết đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các giải pháp đổi mới, sáng tạo.
Lãnh đạo Grab mong được đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các tỉnh, thành khắp cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho người dân, thương nhân và số hóa du lịch.
Ngoài ra, theo ông Anthony Tan, Grab còn đặt trọng tâm vào việc nuôi dưỡng và phát triển tài năng công nghệ tại Việt Nam, khi đã mở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TPHCM vào năm 2017. Trong năm 2024, đội ngũ kỹ sư công nghệ trong trung tâm này đã tăng 60% so với năm trước đó.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ của CEO Grab, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển thêm các lĩnh vực, loại hình kinh doanh mới; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, hỗ trợ mục tiêu quảng bá, xúc tiến thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao năng lực logistics của Việt Nam.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh Grab phối hợp tổ chức các sự kiện biểu diễn, âm nhạc lớn, đưa các nghệ sĩ nước ngoài tới Việt Nam và các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn ở nước ngoài.
Trên thực tế, Grab hiện là nhà cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số hoạt động tại các quốc gia Đông Nam Á. Grab đang hoạt động tại 50 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Lần đầu tiên Grab tiết lộ doanh thu ở Việt Nam

Theo báo cáo thường niên 2024 vừa công bố vào tháng 4/2025, Grab ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, doanh thu của Grab Việt Nam đã liên tục đi lên trong 3 năm liên tiếp, từ 108 triệu USD (năm 2022) lên 185 triệu USD (năm 2023) và đạt 228 triệu USD trong năm 2024, tương đương khoảng 5.700 tỷ đồng.
Như vậy, doanh thu Grab tại Việt Nam đã tăng hơn 70% trong năm 2023 và tiếp tục tăng gần 23% trong năm 2024. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường gọi xe và giao hàng công nghệ.
Trên thực tế, Việt Nam hiện đóng góp hơn 8% tổng doanh thu toàn khu vực của Grab, chỉ xếp trên các thị trường nhỏ như Campuchia, Myanmar. Trong khi đó, những thị trường chủ lực của Grab ghi nhận doanh thu là Malaysia (816 triệu USD), Indonesia (643 triệu USD), Singapore (578 triệu USD), Philippines (265 triệu USD) và Thái Lan (252 triệu USD).
Tại Việt Nam, Grab lần đầu xuất hiện tại thị trường trong nước vào năm 2014, với pháp nhân là Công ty TNHH GrabTaxi (tiền thân của Công ty TNHH Grab). Đến tháng 10/2014, hãng chính thức triển khai dịch vụ GrabBike và bắt đầu chiêu mộ tài xế xe 2 bánh. Đến nay, sau hơn 10 năm, người dân có thể sử dụng ứng dụng Grab cho các dịch vụ như di chuyển, ăn uống, mua sắm, gửi hàng, thanh toán và có thêm cơ hội thu nhập.
Theo ông Anthony Tan, trong thời gian đầu, việc thu hút tài xế tham gia vào nền tảng Grab cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì thiếu hụt nguồn vốn.

CEO của Grab đã quyết định đi khắp Đông Nam Á để thuyết phục các tài xế taxi thử dùng Grab, trong đó có Việt Nam. Ông Anthony Tan kể, nhận thấy rằng trước khi bắt đầu ca làm việc vào buổi sáng, các bác tài ở TP HCM thường tụ tập uống cà phê, nên ông đã có mặt ở đó vào khoảng 4 giờ sáng để tặng cà phê miễn phí cho họ. Đồng thời, ông cũng thuyết phục họ tham gia Grab.