Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), xu thế vào khách sạn cầu hôn ở Hàn Quốc đang ngày càng bùng nổ sau đại dịch. Việc không thể đi du lịch nhiều do lệnh giãn cách cùng với nỗi sợ lây nhiễm đã khiến ngày càng nhiều bạn trẻ Hàn Quốc lựa chọn các khách sạn hạng sang để tổ chức cầu hôn.
Cô Oh Hae Rim là một trong số những bạn trẻ như vậy khi mong muốn được bạn trai tổ chức lễ cầu hôn tại một khách sạn hạng sang cho bằng bạn bằng bè.
“Xu thế hiện nay là ai cũng muốn được cầu hôn ở khách sạn hạng sang. Đây dường như trở thành niềm mơ ước của mọi phụ nữ trẻ Hàn Quốc”, cô Oh thú nhận.
Để đáp ứng mong muốn của Oh, bạn trai cô đã chọn khách sạn Signiel Seoul với gói “Eternal Promise” bao gồm hoa, rượu Chanpagne với giá 1.200 USD/đêm để cầu hôn bạn gái mình. Ngay lập tức, cô Oh được thỏa ước nguyện khi đăng những tấm hình hoa, bóng bay, vòng cổ và đồng hồ hạng sang lên mạng xã hội để chứng minh tình cảm cũng như độ giàu sang của bạn trai mình.
Cuộc đua khoe khoang
Tờ WSJ cho biết những khảo sát gần đây cho thấy hơn 40% số phụ nữ ở Hàn Quốc muốn được cầu hôn tại khách sạn hạng sang, trong khi trớ trêu là hơn 1/3 cánh mày râu lại chẳng muốn cầu hôn vì chi phí ngày càng trở nên đắt đỏ. Với nam giới, nghi lễ cầu hôn đang dần trở thành cuộc đua khoe khoang sự giàu có và tình cảm của phụ nữ hơn là ý nghĩa thực tế đằng sau đó.
Thông thường theo văn hóa, các cặp đôi Hàn Quốc sẽ phải xin phép hai gia đình trước khi đi đến hôn nhân, chuẩn bị lên kế hoạch cho lễ cưới và đi mua nhẫn cùng nhau. Việc thực hiện nghi lễ cầu hôn dường như trở thành một sự kiện phi chính thức và không bắt buộc, nhưng lại đang là cuộc đua giữa những người phụ nữ sắp lập gia đình trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ hiện nay.
Trên Instagram, số lượng hashtag cho cầu hôn ở khách sạn đã vượt con số 42.000 và trở thành hiện tượng mạng. Những tấm hình phòng khách sạn hạng sang tràn ngập hoa, bóng bay, dòng chứ “Lấy anh nhé” cùng các món quà xa xỉ đã trở thành cơn sốt khiến nhiều phụ nữ ganh đua, ghen tỵ lẫn nhau, trong khi điều này lại trở thành nỗi khổ sở với cánh mày râu vì chi phí đắt đỏ.
Anh Kim Jae Huyn là một ví dụ khi người đàn ông này chết lặng vì bạn gái cố tình cho xem một bức ảnh chiếc túi Chanel mà bạn của cô ấy nhận được trong lễ cầu hôn ở khách sạn hạng sang.
“Tôi bắt đầu tính toán chi phí cho một buổi lễ như vậy, có lẽ ít nhất phải đến 3.000 USD”, anh Kim lo lắng nói.
Tối hôm đó trong bữa nhậu với bạn bè, từ người độc thân đến đã có gia đình, anh Kim và cánh đàn ông nói chuyện về tầm quan trọng của lễ cầu hôn tại khách sạn hạng sang và những món quà như chiếc túi Chanel với cuộc hôn nhân. Trong khi những người bạn độc thân cho rằng lễ cầu hôn chỉ cần chân thành là đủ thì các ông chồng lại phản đối, cho rằng người vợ sẽ càm ràm cả đời về việc không có một lễ cầu hôn hoành tránh so với bạn bè.
Vậy là anh Kim ban đầu dự định cầu hôn vào mùa hè nhưng lại phải lùi đến tận cuối năm để tích trữ thêm tiền.
Nhịn ăn
Cô Grace Hong là một nhà tổ chức tiệc kỳ cựu, thường nhận các đơn cầu hôn tại khách sạn cho cặp đôi. Nếu trước đại dịch, số khách hàng mảng này chỉ vài lần mỗi tháng thì nay cô Hong nhận được đến 20-30 yêu cầu hàng tháng. Chi phí để cô trang trí hoa và bóng bay trong khách sạn là khoảng 750 USD.
“Tôi thường nói với họ rằng hãy nhịn ăn bớt trong 1 tháng để tiết kiệm tiền làm lễ cầu hôn, đồng thời chọn các căn phòng to hơn tiêu chuẩn bình thường để phù hợp tổ chức sự kiện”, cô Hong nói.
Xu thế bùng nổ cầu hôn hiện nay khiến nhiều khách sạn nhanh chóng tổ chức các gói đi kèm, bao gồm hoa, bóng bay, rượu vang. Ví dụ như khách sạn Signiel với gói Eternal Promise của cô Oh đã được đặt tới 38 lần trong 1 tháng, qua đó cho thấy nhu cầu ngày càng cao hiện nay.
Hiện Signiel đang lên kế hoạch tung ra các gói cầu hôn sang trọng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu khoe khoang của các chị em trên mạng xã hội.
Thậm chí nhiều nam giới cũng cảm thấy tự hào khi được khoe lễ cầu hôn sang chảnh của mình trên mạng. Ví dụ như anh Ha Myung Eon, một nhân viên văn phòng 30 tuổi đã bỏ 4.500 USD cho gói cầu hôn, bao gồm bữa tối, nhẫn và trang trí. Anh Ha đã phải đặt trước 6 tháng để có mức giá tốt từ khách sạn, đồng thời lắp đặt 3 camera quanh phòng để chụp lại khoảng khắc đáng nhớ, sau đó đăng lên mạng.
“Thực sự thì lễ cầu hôn kiểu này là một gánh nặng về tài chính, thế nhưng tất cả bạn bè tôi đều ghen tỵ, nhất là những bạn nữ”, anh Ha thú nhận.
Báo cáo của Morgan Stanley vào tháng 1/2023 thì cho thấy mức chi tiêu bình quân đầu người cho hàng xa xỉ tại Hàn Quốc đứng đầu thế giới, cho thấy văn hóa coi trọng mặt mũi cũng như ganh đua về hình ảnh giàu sang lớn đến thế nào, từ người giàu cho đến những người trung lưu thông thường.
Cô Lee Ye Rim, một nhân viên văn phòng 27 tuổi nhận được một chiếc túi Dior từ lễ cầu hôn tại khách sạn 5 sao cho biết: “Rất khó để sống bình thường theo ý mình tại Hàn Quốc, bởi vậy bạn có lẽ cũng sẽ phải chạy đua theo xu thế dù đôi khi chẳng muốn”.
Thật vậy, việc chạy đua cầu hôn ở khách sạn hạng sang đã khiến những người cầu hôn kiểu thông thường bị coi thường.
Anh Kim Myung Hyun, một nhân viên văn phòng 34 tuổi cho biết mọi người tỏ rõ sự coi thường với anh khi biết người đàn ông này không tổ chức lễ cầu hôn ở khách sạn hạng sang.
“Tôi trở nên ngại ngùng khi phải thú nhận với mọi người rằng bản thân thực hiện lời cầu hôn trong một bữa tối thông thường”, anh Kim nói.
*Nguồn: WSJ