Nội dung chính:
- Những lợi thế về mặt chính sách đối với CATL đã nhanh chóng mất đi khi chính phủ Trung Quốc mở cánh cửa cho các nhà sản xuất pin từ nước ngoài, đặc biệt là 2 cường quốc Nhật Bản và Hàn Quốc.
- CATL đã đồng thời đầu tư sở hữu các mỏ khoáng sản hiếm và sáng tạo ra cấu trúc pin mới để tránh phụ thuộc những nguyên liệu đắt tiền này.
Khi lợi thế thành bất lợi
Bất chấp thành công đáng kinh ngạc của CATL, ông Tăng sẽ sớm phải đối mặt với những gì mà nhiều doanh nhân Trung Quốc trong bất cứ ngành nào cũng coi là “bản án tử hinh”: Sự kết thúc không thể tránh khỏi của thời kỳ tăng trưởng dưới sự bảo hộ và trợ cấp của Bắc Kinh với ngành công nghiệp xe điện.
Robin Zeng (Tăng Lập Quần) - nhà sáng lập CATL tại trụ sở CATL ở Ninh Đức. (Ảnh: Bloomberg)
Điều này xảy ra vào năm 2018, khi chính phủ Trung Quốc loại bỏ hạn chế với pin xe điện từ các nhà sản xuất nước ngoài, mở đường cho các hãng của Nhật Bản và Hàn Quốc thâm nhập thị trường, đồng thời công bố kế hoạch loại bỏ trợ giá xe điện vào năm 2020.
Những thời khắc như thế này thường là giờ phút quyết định với mọi công ty ở Trung Quốc, thời điểm mà họ có thể “chết bất thình lình” chỉ đơn giản vì sự thay đổi chính sách ở Bắc Kinh. Vào năm 2017, một năm trước khi công ty IPO, ông Tăng Lập Quần đã gửi một email nội bộ tới toàn thể nhân viên của CATL với tiêu đề: “Điều gì sẽ xảy ra khi cơn bão đi qua? Liệu lợn có thể thực sự bay?”.
Tiêu đề này được ông Tăng lấy từ câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trong giới doanh nhân Trung Quốc, bắt nguồn từ CEO Xiaomi Lôi Quân.
Con lợn đại diện cho một công ty, còn cơn bão đại diện cho sự hỗ trợ từ chính phủ, cả về mặt tiền tệ và phi tiền tệ. Nỗi lo lắng thường trực trong tâm trí của mỗi doanh nhân Trung Quốc về việc khi chính phủ áp dụng các chính sách cởi mở với cạnh tranh và một thị trường trở nên tự do hơn. Con lợn (công ty) trước đây ảo tưởng rằng nó đang tự bay, sẽ không còn có thể bay mà thiếu sự giúp đỡ của chính phủ.
Nhưng ngay từ đầu, ông Tăng đã chuẩn bị cho thời khắc này. CATL cố gắng đa dạng hóa sản phẩm tại châu Âu và Mỹ, những thị trường mà ông Tăng đoán sẽ phát triển khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc chậm lại. Ngay từ khi CATL còn là một công ty nhỏ, vị CEO này đã kiên quyết mở chi nhánh tại Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản và Mỹ, mặc dù điều đó có vẻ không hợp lý cho lắm.
Một phần trong dự án nhà máy sản xuất pin với vốn đầu tư 2 tỷ USD của CATL tại Arnstadt, Đức. (Ảnh: The New York Times)
Khi CATL khởi công nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên ở Đức vào năm 2018, đánh bại các tên tuổi nổi tiếng ở quê hương của chiếc xe hơi, cả thế giới dường như bị sốc trước thứ có vẻ như là tham vọng mở rộng quá nhanh ra nước ngoài.
Nhưng ván cược đầy mạo hiểm của ông Tăng đã mang lại thành quả, định hướng mở rộng ra thế giới của công ty đã giúp họ có được sự hỗ trợ tài chính để phát triển, trong khi các công ty nội địa khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.
Cũng nhờ kinh nghiệm quốc tế của mình, CATL đã hình thành mối quan hệ đối tác quan trọng với các công ty nước ngoài. Chính những khách hàng này trở thành động lực thúc đẩy CATL đổi mới theo một cách hoàn toàn khác với các công ty công nghệ Trung Quốc. Việc Bắc Kinh chấm dứt sự bảo hộ với ngành xe điện cuối cùng lại đưa CATL và Tesla xích lại gần nhau. Công ty của tỷ phú Elon Musk giờ đây là khách hàng và đối tác quan trọng nhất của CATL.
Lựa chọn khó khăn của CATL
Để sản xuất pin xe điện cần một lượng lớn niken, manganese, cobalt và lithium với độ tinh khiết cao. Với tư cách là nhà cung cấp pin xe điện lớn nhất thế giới (thị phần hơn 30%), CATL phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung các kim loại này. Công ty có hai lựa chọn: đầu tư vào chuỗi cung ứng thông qua việc sở hữu trực tiếp các mỏ khai thác những khoáng sản trên, hoặc sáng tạo một cấu trúc pin mới không cần đến những kim loại đắt tiền này.
CATL chọn cả hai.
Cánh đồng muối Chaerhan ở Golmud, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Đây là một trong những mỏ lithium bên trong đại lục. (Ảnh: The New York Times)
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô ổn định, CATL đã mua cổ phần trong một dự án lithium ở Australia, một dự án niken ở Indonesia, một mỏ lithium ở Argentina và nhiều mỏ cobalt ở Cộng hòa Dân chủ Công (DRC). Công ty có trụ sở ở Ninh Đức đầu tư vào các mỏ đất hiếm nhiều hơn bất cứ đối thủ nào trên thế giới, mặc dù chúng ta chưa thể xác định những khoản đầu tư này đã mang lại kết quả như thế nào.
Cùng lúc đó, ông Tăng hiểu rằng chiến lược này sẽ không thể kéo dài mãi mãi, vì nguồn tài nguyên trên Trái đất chỉ có hạn. Để đảm bảo sự thống trị của CATL trong bối cảnh nhu cầu pin xe điện tiếp tục tăng cao, họ phải làm chủ công nghệ mới - thay đổi cấu trúc hóa học của pin.
May mắn thay, CATL đã có được đối tác tốt nhất trong nhiệm vụ khó khăn này - chính là Testla. Hồi tháng 6/2020, ông Tăng khiến cả thế giới chú ý khi thông báo CATL sẵn sàng sản xuất loại pin “một triệu dặm” - được phát triển chung với Tesla - cho bất cứ hãng xe nào quan tâm.
Reuters mô tả sự hợp tác này là kế hoạch chung giữa CATL và Tes là nhằm “hiện thực hóa công nghệ do Tesla phát triển với sự cộng tác của một nhóm các chuyên gia về pin được đích thân tuyển dụng bởi Elon Musk”.
Robot trong dây chuyền sản xuất pin của CATL. (Ảnh: CATL)
Điều đáng chú ý về sự hợp tác giữa Tesla và CATL, đó là nó thể hiện cách tiếp cận độc đáo của công ty Trung Quốc trong việc sản xuất pin. CATL sẵn sàng “chấp nhận định hướng sản xuất pin từ người khác” là sự tương phản hoàn toàn với LG Chem hay SK Innovation - những công ty muốn tự thiết kế pin theo ý của họ.
Ngay cả khi CATL có trong tay một đội ngũ các nhà hóa học đỉnh cao do chính Elon Musk lựa chọn, ông Tăng biết rằng sự hợp tác với Tesla là không đủ để duy trì ưu thế lâu dài. Bên cạnh việc phát triển cấu trúc pin tích hợp vào khung xe, CATL được cho là đang thử nghiệm một loại pin hoàn toàn mới, hoạt động mà không cần nickel hay cobalt. Nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá lớn của ngành sản xuất pin xe điện, một yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi và củng cố vị thế thống trị của CATL.