Trong Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, diễn ra vào chiều 10/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị thế hết sức quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện.
Trong quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu mức tăng trưởng bình quân đến năm 2030 phải đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được quan tâm, hệ thống giao thông vùng ĐBSCL được đầu tư mới, đồng bộ, kết nối, liên thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hạ tầng kỹ thuật vùng vẫn chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, vẫn còn là điểm nghẽn cho sự phát triển của khu vực.
Cụ thể, tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; việc thu gom, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển…
Phát biểu tại diễn đàn ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, theo định hướng, đến năm 2030, Cần Thơ sẽ là thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước. Cần Thơ cũng trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ sẽ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng đã được triển khai như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ…
Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tập trung triển khai 14 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 14.700 tỷ đồng.
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực, kết hợp xây dựng thêm Cảng Cargo Logistcs phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố làm cơ sở quy hoạch thành phố Sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000ha.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong muốn Bộ Xây dựng chú trọng đầu tư xây dựng phát triển Cảng biển quốc tế tại TP Cần Thơ phù hợp theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia và hỗ trợ hướng dẫn quy trình, tiêu chí xây dựng Trung tâm Logistics vùng tại TP Cần Thơ.
TP Cần Thơ cũng đề xuất Bộ Xây dựng, tham mưu cho Chính phủ cho phép xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt TP HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao”.
“Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có trục chính Quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt đây là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nên việc xây dựng Đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết”, ông Trường nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, tuyến đường kết nối TP Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp với quận Ô Môn - TP Cần Thơ và huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang, trong đó có Cầu Ô Môn là hạng mục quan trọng nhằm đồng bộ toàn tuyến.
Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng mang tính kết nối liên vùng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch vùng.
“Vừa qua thành phố đã làm việc, đàm phán với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA để tài trợ vốn ODA thực hiện dự án Cầu Ô Môn và thành phố đã đề xuất dự án này được tham gia vào chương trình DPO hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Trường nói.
Vừa qua thành phố đã làm việc, đàm phán với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA để tài trợ vốn ODA thực hiện dự án Cầu Ô Môn và thành phố đã đề xuất dự án này được tham gia vào chương trình DPO hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trường hợp không thể cân đối đủ nguồn từ chương trình DPO, thành phố đề xuất thực hiện đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP nhằm sớm thực hiện đồng bộ hạng tầng giao thông quan trọng này của Vùng. “Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm chấp thuận”, ông Trường nói.