Thời gian qua, việc Bộ Tài chính rà soát, đánh giá toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh, không chỉ là tín hiệu tích cực mà còn thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ thực tiễn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp, khiến nhiều người lao động chịu gánh nặng thuế quá lớn so với thu nhập thực tế.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển kinh tế và mức sống thực tế của người dân. Do đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn cho đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi toàn diện.
"Trong khi chờ sửa đổi luật, cần cấp bách điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay để giảm bớt khó khăn cho người lao động", PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi nhấn mạnh rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã trở nên lỗi thời so với thực tế kinh tế - xã hội.
Ông Huy chỉ ra rằng trong khi mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc vẫn được giữ nguyên trong nhiều năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại liên tục tăng, cùng với đó là lương cơ sở cũng đã được điều chỉnh nhiều lần.
“Đây là một sự bất hợp lý, khiến người nộp thuế thu nhập cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tích lũy thu nhập sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế và chi trả các khoản chi tiêu thiết yếu”, ông Huy nhận định.
Theo ông Huy, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động mà còn có thể làm suy giảm sức mua, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng bên cạnh việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, cần có giải pháp điều chỉnh linh hoạt mức giảm trừ gia cảnh để kịp thời phản ánh thực tế mức sống và chi tiêu của người dân. Chỉ khi chính sách thuế đảm bảo công bằng, hợp lý, người lao động mới có thể an tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bày tỏ quan ngại về lộ trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân khi phải chờ đến tháng 10-2025 mới trình Quốc hội, tháng 5-2026 thông qua và đến năm 2027 mới có hiệu lực áp dụng.
Ông Đức cho rằng, nếu giữ nguyên tiến độ này, người lao động sẽ còn phải chờ ít nhất hai năm nữa mới được hưởng mức giảm trừ gia cảnh mới, điều này là quá lâu và không phù hợp với thực tế kinh tế đang biến động mạnh.
Do vậy, theo ông Đức, các quy định pháp luật có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân cần được ưu tiên sửa đổi sớm hơn, thay vì kéo dài, gây thêm áp lực tài chính cho người lao động. Khi giá cả tiếp tục leo thang, mức thu nhập thực tế giảm sút, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa với việc hàng triệu người vẫn phải chịu mức thuế không còn hợp lý, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và tích lũy.
Giải pháp trước mắt, theo Luật sư Trương Thanh Đức, là cần có cơ chế linh hoạt để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh kịp thời, thay vì đợi đến khi luật mới có hiệu lực. Bởi một chính sách thuế công bằng, bám sát thực tế đời sống không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân mà còn góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Quy định chưa mang “hơi thở cuộc sống”
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được xem xét thay đổi khi CPI vượt ngưỡng 20% so với lần điều chỉnh gần nhất. Đây là một mốc cứng rắn, đảm bảo sự ổn định và tránh thay đổi chính sách liên tục.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể thiếu nhạy bén trong bối cảnh kinh tế đang trải qua nhiều áp lực, đặc biệt là gánh nặng tài chính đối với người dân trong thời kỳ lạm phát leo thang và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy, từ năm 2020 đến nay, CPI đã tăng gần 16%, tiệm cận ngưỡng điều chỉnh. Tuy chưa đủ để kích hoạt quy định hiện hành, nhưng mức tăng này đã phản ánh phần nào sự xói mòn giá trị thực của mức giảm trừ gia cảnh.
Khi CPI tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không thay đổi, người nộp thuế thực chất phải đối mặt với áp lực lớn hơn do thu nhập tính thuế thực tế tăng lên. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, nhóm dễ chịu tác động nhất bởi sự thay đổi chi phí sinh hoạt.
Tại một cuộc hợp báo gần đây, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát thuế phí và lệ phí, cho biết Chính phủ sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lần điều chỉnh gần nhất. Tuy nhiên, tính từ năm 2020 đến nay, CPI mới tăng gần 16%, chưa đạt ngưỡng để kích hoạt điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Bộ Tài chính cũng đang theo dõi sát diễn biến CPI và không loại trừ khả năng nội dung này được đưa ra tại kỳ họp 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2025 nếu có biến động lớn.
Cũng theo thông tin từ ông Trương Bá Tuấn, vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trương không chỉ giới hạn trong việc chờ CPI vượt ngưỡng 20% mà còn chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, để kịp thời đưa nội dung này ra bàn thảo tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu có biến động lớn.