Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng

Lê Sáng | 10:42 09/12/2024

Lũy kế đến cuối tháng 11, tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thu được ước đạt 106,9% dự toán năm, tương ứng khoảng 170.000 tỷ đồng.

Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng

Năm 2024, ngành tài chính dự kiến số thu từ thuế thu nhập cá nhân khoảng 160.000 tỷ đồng. Nhưng theo số liệu từ Tổng cục thuế, sau 11 tháng, khoản thu này đã vượt mức dự toán trên khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.

Mới đây, tại tờ trình đề nghị xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân thay thế, Bộ Tài chính cho biết riêng năm 2023, số thu thuế thu nhập cá nhân đạt 147.113 tỷ đồng, chiếm 9% tổng thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là năm ghi nhận số thu thuế thu nhập cá nhân đạt kỷ lục (gần 163.000 tỷ đồng). Năm 2011, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 5,33%.

Tại tờ trình nói trên, Bộ Tài chính cũng đánh giá hiện nhiều quy định hiện hành của luật thuế này cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.

Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập. Cùng đó, họ cũng cho rằng các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới.

Thuế thu nhập cá nhân là một trong 17 khoản thu, sắc thuế đạt tiến độ trên 94% kế hoạch cả năm. Một số khoản thu đã vượt kế hoạch đầu năm, như thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (103%), phí - lệ phí (108,6%), hoạt động xổ số (108,2%); thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước (171%)...

Có 42 địa phương thu đạt trên 94% dự toán được giao, còn 21 địa phương thu đạt dưới mức này. Cùng đó, 57 địa phương có tăng trưởng thu, chỉ 6 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán và tăng 16,7%. Thu từ dầu thô ước đạt gần 52.700 tỷ đồng, vượt dự toán 14,5% và giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thu cân đối từ xuất nhập khẩu khoảng 248.600 tỷ đồng, bằng gần 122% dự toán, tăng gần 18,6% so với cùng kỳ.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thuế, 11 tháng đầu năm, ngành thuế đã thực hiện hơn 59.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 92% kế hoạch cả năm. Tính đến cuối tháng 11, thu nợ thuế hơn được 61.200 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đế xuất sớm sửa mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN

Thời gian qua, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc cần sớm xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân nhằm cập nhật mức trượt giá do lạm phát và tăng lương cơ bản.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì Luật Thuế thu nhập cá nhân cần sửa ngay trong năm 2025, để có hiệu lực từ đầu 2026 và không nên cứng nhắc theo lộ trình cuối năm 2025 mới trình Quốc hội và giữa năm 2026 mới thông qua.

Ông Việt cho rằng nếu lấy 2007 là năm gốc - thời điểm ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, chi tiêu và thu nhập của người dân đã tăng nhiều lần so với tốc độ tăng của giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, năm 2008, thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mỗi người bình quân tiêu khoảng 792.000 đồng.

Năm 2022, con số này tăng 3,5 lần là gần 2,8 triệu, theo khảo sát của Tổng cục thống kê (GSO) với gần 47.000 hộ dân ở các xã, phường đại diện cả nước. Trong khi mức chi tiêu mỗi người dân gấp 4-5 lần so với thời điểm 2008, lương tối thiểu tăng 6-7 lần thì giảm trừ gia cảnh chưa bằng ba lần.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt, giảm trừ gia cảnh phải theo mức sống thực tế từng vùng miền, có thể dựa trên lương tối thiểu vùng. Giả sử, mức giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu tại TP HCM là 4,96 triệu đồng, thì giảm trừ gia cảnh khoảng 19,84 triệu đồng, thay vì 11 triệu mỗi tháng như hiện nay.

Việc mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng, theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM), Chính phủ sẽ không cần điều chỉnh mỗi năm. Bởi lương đưa ra hàng năm dựa trên thỏa thuận giữa đại diện người lao động, giới chủ và các hiệp hội doanh nghiệp.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, mức giảm trừ gia cảnh nên được điều chỉnh tương ứng dữ liệu tăng, giảm của CPI do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm để không bị lạc hậu, hay thiệt thòi cho người nộp thuế.

Nhận xét về các nấc trong biểu thuế TNCN hiện nay, ông Đức cho rằng thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống còn khoảng 1-2%; bậc cao nhất là 20% và không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Liên quan đến công tác sửa đổi các quy định liên quan đến thuế TNCN, mới đây, tại tờ trình Chính phủ liên quan việc xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới, Bộ Tài chính cho rằng các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới.

Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh được quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO