Lượt tải các ứng dụng từ Amanotes tăng trưởng trên 20%/năm, từ năm 2018 đến năm 2022
Được thành lập tại Việt Nam vào năm 2014 bởi CEO Võ Tuấn Bình (Bill Võ) và Nguyễn Tuấn Cường (Silver Nguyễn). Từ một start-up công nghệ chỉ với 2 thành viên và sở hữu một vài trò chơi di động trong giai đoạn đầu, đến nay, Amanotes đã có hơn 200 nhân sự.
Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Toàn cầu Statista, lĩnh vực trò chơi âm nhạc đang có tốc độ phát triển vượt bậc. Dự kiến đến năm 2026, thị trường trò chơi âm nhạc toàn cầu sẽ đạt 10,61 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến 7,65%.
Tại Việt Nam, Amanotes là một trong những nhà phát hành trò chơi âm nhạc nổi bật có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Từ năm 2018 đến năm 2022, lượt tải các ứng dụng từ Amanotes tăng trưởng trên 20%/năm. Đỉnh điểm vào năm 2020, doanh thu của Amanotes đã tăng 100% so với cùng kỳ.
Không chỉ bắt kịp xu hướng phát triển của ngành công nghiệp trò chơi âm nhạc, Amanotes còn góp phần định hình bức tranh phát triển của toàn ngành. Sau 8 năm thành lập, đến nay, Amanotes đã đạt hơn 2,7 tỷ lượt tải ứng dụng trên toàn cầu, từ đó tiếp tục vững vàng ở vị trí nhà phát hành game âm nhạc có lượt tải về lớn nhất trên toàn cầu và nhà phát hành ứng dụng có lượt tải về lớn nhất Đông Nam Á.
Tham vọng vươn tầm thế giới, Amanotes hiện đã tiếp cận đến 190 quốc gia, chiếm thị phần khá lớn tại nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, Anh, Brazil... và sở hữu trung bình 38% thị phần trên toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2021.
Công ty công nghệ âm nhạc này cũng ghi dấu ấn bằng những tựa game âm nhạc được nhiều người ưa thích như Magic Tiles 3, Tiles Hop, Dacing Road… Trong đó, Magic Tiles 3, Tiles Hop là những game âm nhạc di động được tải nhiều nhất trên iTunes và Google Play toàn cầu; tựa game Magic Tiles 3 nằm trong danh sách Top 20 Free App Store Game.
Ông Nguyễn Tuấn Cường (Silver Nguyen), CPO Amanotes, chia sẻ: “Sứ mệnh của Amanotes là ‘Everyone can Music’ – ai cũng có thể tiếp cận, tương tác với âm nhạc qua những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Vì vậy, chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở vị thế vững chắc trên thị trường game âm nhạc như hiện nay.
Sắp tới, bên cạnh việc duy trì vị thế dẫn đầu này, Amanotes vẫn đang tập trung xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc tương tác để nâng cao trải nghiệm người dùng và giúp họ có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân. Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ chú trọng hợp tác và đầu tư chiến lược để mở rộng thị trường, tối ưu hóa nguồn lực của công ty”.
Ngoài không ngừng đổi mới, Amanotes hiện còn tập trung làm giàu thêm trải nghiệm âm nhạc tương tác của người dùng. Song song đó, lĩnh vực giáo dục âm nhạc trực tuyến (Music Education), giúp mọi người có thể học chơi nhạc cụ ở bất kỳ đâu, cũng như khả năng tương tác trên nền tảng thống nhất các game âm nhạc (Music Entertainment Platform) mà Amanotes hướng đến; cũng sẽ được công ty đẩy mạnh.
Điều này sẽ được Amanotes thực hiện dựa trên việc khai thác tối đa thế mạnh về khả năng nghiên cứu và thấu hiểu tâm lý, hành vi của tệp người dùng khổng lồ để đưa vào các sản phẩm chiến lược trong tương lai.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Amanotes đã và đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ âm nhạc. Đơn cử, mới đây, Amanotes đã ký kết hợp tác chiến lược với Sensor Notes, đơn vị với thế mạnh trong mảng ứng dụng mô phỏng nhạc cụ. Đây là mảnh ghép quan trọng trong việc hiện thực hóa hệ sinh thái đầy tham vọng mà Amanotes đang theo đuổi.
Biến ‘đối thủ’ thành đồng minh
Sensor Notes là nhà sản xuất game âm nhạc được thành lập vào năm 2014 tại Đồng Tháp. Sau 8 năm hoạt động, người sáng lập Kiên Trần và đội ngũ cộng sự vẫn đang tiếp tục phát triển hơn 120 sản phẩm bao gồm cả trò chơi di động về âm nhạc lẫn những ứng dụng chơi nhạc cụ giả lập.
Sensor Notes có năng lực sản xuất game và ứng dụng mô phỏng âm nhạc trong thời gian ngắn, kịp thời đáp ứng những xu hướng mới của thị trường. Các sản phẩm của Sensor Notes hướng đến giải trí, tương tác đơn giản vì thế có chung tầm nhìn với Amanotes trên con đường theo đuổi và khai thác game liên quan đến âm nhạc.
Amanotes kỳ vọng có thể cùng Sensor Notes hợp tác sâu, chia sẻ nhân lực, công nghệ, cung cấp các dữ liệu về thị trường… nhằm mang đến nhiều hơn nữa các sản phẩm chất lượng phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Nói cụ thể hơn về quyết định hợp tác lần này, ông Bill Võ - CEO của Amanotes, cho biết: “Amanotes đang hướng đến đầu tư nghiêm túc vào hệ sinh thái âm nhạc tương tác. Việc hợp tác với Sensor Notes là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu ấy.
Sensor Notes có thế mạnh phát triển ứng dụng đa dạng và sáng tạo, đặc biệt là với mảng ứng dụng mô phỏng nhạc cụ. Đơn cử ứng dụng mô phỏng đàn Kalimba như Perfect Kalimba hay ứng dụng chơi đàn tranh Guzheng Master; tất cả đều sẽ là những mảnh ghép quan trọng trong việc hiện thực hóa hệ sinh thái đầy tham vọng mà chúng tôi đang theo đuổi”.
Ông Kiên Trần - CEO và Founder của Sensor Notes, tiếp lời: “Sensor Notes đang tích cực phát triển nguồn lực, đảm bảo việc hợp tác cùng Amanotes đạt được mục tiêu chung. Cộng hưởng thế mạnh của Sensor Notes với tiềm năng về vốn lẫn công nghệ của Amanotes, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm âm nhạc tương tác, trong đó tập trung vào mảng âm nhạc mô phỏng và game âm nhạc.
Về kế hoạch dài hạn sắp tới, Sensor Notes sẽ tuyển dụng thêm các vị trí đang còn thiếu, đồng thời tập trung đào tạo đội ngũ nhân viên”.
Sau khi kí kết hợp tác chính thức, Amanotes và Sensor Notes sẽ nhanh chóng thống nhất chiến lược, xúc tiến việc mở rộng hệ sinh thái âm nhạc tương tác. Theo tầm nhìn hẹp, thì Sensor Notes chính là đối thủ của Amanotes, nhưng với việc Amanotes muốn biến thành 1 hệ sinh thái âm nhạc, cả hai đã biến ‘chiến tranh thành tơ lụa” – trở thành đồng minh tuyệt vời.
Trong kế hoạch dài hạn hơn, Amanotes vẫn tiếp tục đầu tư vào những nhà sản xuất trò chơi di động nội địa để mở rộng thêm trải nghiệm của người dùng ở mảng game âm nhạc và những ứng dụng tương tác với âm nhạc (music simulation apps). Đồng thời, thông qua việc hợp tác, Amanotes mong muốn có thể góp phần trở thành bệ phóng cho các nhà sản xuất trò chơi di động nội địa vươn tầm thế giới. Sensor Notes chỉ là người đồng hành đầu tiên.
Theo đó, có thể thấy, việc có gọi được vốn được hay không không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình phát triển theo đúng chiến lược đã đề ra của Ban lãnh đạo Amanotes, vì thực sự là họ kiếm được tiền. Năm 2020, cả Bill Võ lẫn Silver Nguyễn đều úp mở về việc Amanotes có thể sẽ đi gọi vốn, tuy nhiên cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa nghe bất cứ thông tin gì từ họ về vấn đề này.
Có thể nói, Amanotes là một trường hợp dị biệt trong giới startup! Không những chúng ta không nghe được thông tin họ gọi được vốn, họ cũng không gia nhập bất cứ tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nào và không bán cổ phần của mình cho bất kỳ ai.
Trong 7 cái tên được Forbes Việt Nam xếp vào danh sách ‘cận kỳ lân’, gồm Tiki, Giao Hàng Tiết Kiệm, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet, Giao Hàng Nhanh, Amanotes; thì họ là startup duy nhất không phụ thuộc/liên quan đến bất kỳ ai bên ngoài (với những thông tin mà chúng tôi có). Tiki, KiotViet, Giao Hàng Nhanh, Kyber Network đã gọi nhiều vốn từ các quỹ; Giao Hàng Tiết Kiệm có hai cổ đông lớn là SEA và Kerry Logistics, Masan đã đầu tư 65 triệu USD để sở hữu 25% của Trusting Social Việt Nam.