Cần giữ quy định dành 20% quỹ đất dự án và không cho chủ đầu tư nộp tiền để “né” làm nhà ở xã hội

Lê Sáng thực hiện | 09:16 13/07/2023

Đó là quan điểm của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở xã hội cho “người nghèo” ở đô thị.

Cần giữ quy định dành 20% quỹ đất dự án và không cho chủ đầu tư nộp tiền để “né” làm nhà ở xã hội
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

PV: Câu chuyện phát triển nhà ở xã hội rõ ràng không phải là mới, tại sao đến nay vẫn ì ạch thưa ông?

TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Đúng vậy, chủ trương phát triển Nhà ở xã hội đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm từ ngay sau Cách mạng tháng Tám, trong các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 cũng có các quy định về nhà ở, về nơi cư trú của công dân.

Tại Hiến pháp 2013, Khoản 1, Điều 22 đã quy định "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp". Điều 43 quy định "mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường".

Điều 59 quy định "Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác". "Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở".

Luật Nhà ở đã phân loại phát triển nhà ở gồm: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời có các định hướng, giải pháp để phát triển từng loại nhà ở.

Gần đây, trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 06-NQ/TW tháng 1/2022 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị bền vững... đều đề cập đến yêu cầu "đổi mới phương thức, mô hình quản lý, phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp".

Trong bối cảnh như trên, việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là dấu ấn trong phát triển nhà ở, nhất là với đối tượng cụ thể như đề án nêu. Để thực hiện cần tiếp cận từ những vấn đề chung trong phát triển nhà ở song giải pháp cần xác định đúng đối tượng như đề án nêu.

Chủ trương đã có, luật định cũng tương đối đầy đủ nhưng có một thực tế là việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều chính sách còn “chạy theo” thực tiễn nhưng có nhiều khi là “không kịp” nên từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp vẫn lúng túng chưa thể tìm được lối ra giúp nhà ở xã hội có thể phát triển đột phá.

noxh.jpg
Dù được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu với nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Ảnh - Int

PV: Có một thực tế, tại Việt Nam nhắc đến nhà ở xã hội là người ta nghĩ đến nhà dành cho “người nghèo”, không như tại các nước phát triển, chẳng hạn như tại Singapore, hầu như phần đa dân số đang ở nhà ở xã hội. Quan điểm của ông ra sao?

TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Thực tế, mỗi quốc gia có một điều kiện khác nhau cả về kinh tế, chính trị và xã hội nên khó có thể so sánh.

Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay nhà ở xã hội tại Việt Nam là loại hình nhà ở có yêu cầu đặc thù nhưng cũng không nên xem đây là giải pháp tình thế, là "điểm mờ" trong phát triển đô thị cần hướng tới mà mục tiêu là đảm bảo bền vững, môi trường sống thích hợp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, là khu vực thân thiện, đáng sống.

Nhiều địa phương xây dựng các dự án nhà ở xã hội tập trung, riêng lẻ còn cho thấy còn thiếu đồng bộ, nhất là các dịch vụ hạ tầng như trường học, chợ, không gian xanh công cộng, ở vị trí không thích hợp với đối tượng sử dụng, khó kết nối giao thông, là tồn tại cần có đổi mới.

Trong đó, chủ trương dành 20% quỹ đất trong các khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội là nhằm phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng sống cho người thu nhập thấp và công nhân thực tế còn nhiều khó khăn nhất là từ các chủ đầu tư e ngại xây dựng nhà ở xã hội vì cho rằng sẽ làm giảm giá trị nhà ở thương mại, song không phải vì vậy mà không xây dựng và đề xuất thay bằng thu tiền vào ngân sách địa phương.

Đây là bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển ở châu Âu phân hóa giàu, nghèo, làm khó cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với giáo dục, với thương mại, dịch vụ... đề nghị giữ nguyên quy định dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện định hướng đã xác định trong hiến pháp: tạo thuận lợi để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội. Trường hợp chủ đầu tư không xây dựng trên quỹ đất 20% cần thu hồi để lựa chọn chủ đầu tư khác.

Mô hình khu nhà ở xã hội xây dựng tập trung, để lựa chọn vị trí phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, cho công nhân thì việc xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô đa dạng là giải pháp cần được quan tâm.

Tuy nhiên, không chỉ là nhà ở mà cần được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và nhất là hạ tầng xã hội. Để hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và chủ đầu tư cần có chính sách đặc thù, lợi ích cho chủ đầu tư không chỉ trong ranh giới khu nhà ở xã hội mà được cân đối trong cả khu vực, cả đô thị.

PV: Có ý kiến cho rằng, để giải quyết việc giá nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, vượt quá xa thu thập của “người nghèo” thì nhà ở xã hội cần được cho thuê với giá phù hợp chứ không phải để bán như hiện nay. Ông nhận định ra sao về quan điểm trên?

TSKH Đào Ngọc Nghiêm: Với các khu công nghiệp đề nghị áp dụng phương thức cho thuê là chủ yếu và cho phép các doanh nghiệp là chủ thể trong tổ chức cho người lao động của mình được thuê.

Việc ưu đãi và tăng tỷ trọng nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết mất cân đối cung và cầu của thị trường bất động sản mà còn là yếu tố đẩy nhanh đề án ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Hiện nay, chúng ta đang triển khai lập hệ thống theo Luật Quy hoạch (2017) và điều chỉnh quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch huyện, liên huyện), đồng thời khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua và có hiệu lực sẽ triển khai đồng bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện...

Trong các loại quy hoạch như nêu trên đều có yêu cầu về nội dung xác định đất ở với thời hạn như yêu cầu của Luật quy hoạch. Đây là thách thức, song cũng là thuận lợi để nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng nói chung và quy hoạch các khu công nghiệp.

Giải pháp về quy hoạch là bước đi đầu tiên cần thực hiện để đảm bảo đến 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trên cả nước theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2023.

Để thực hiện đề án ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến 2030 là dấu ấn minh chứng Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu trong đề án. Bước đi đầu cần triển khai là công tác quy hoạch và quản lý với các nội dung cụ thể nêu trên, mong xem xét, tham khảo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần giữ quy định dành 20% quỹ đất dự án và không cho chủ đầu tư nộp tiền để “né” làm nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO