Đặc khu kinh tế (SEZ) mới, một dự án phát triển mang tính bước ngoặt tại Sihanoukville, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 100km, do Tập đoàn ISI dẫn đầu với nhiều bên hợp tác khác vừa chính thức được khánh thành.
Theo đó, đặc khu ISI được xây dựng trên diện tích đất khoảng 206 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 50 triệu USD.
Chủ tịch Tập đoàn ISI Kang Leng cho biết đặc khu ISI được thiết kế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản xuất tiên tiến và cung cấp các cơ sở chế biến hiện đại.
Leng cho biết: “Chúng tôi muốn biến SEZ này thành trung tâm công nghiệp tích hợp hàng đầu tại Campuchia, cung cấp cơ sở vật chất cho nhiều ngành công nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, để mang lại lợi ích cho cộng đồng bằng cách tạo ra việc làm cho người dân Campuchia”.
Ông Leng cho biết khoản đầu tư mới này được thực hiện sau thành công của tập đoàn tại Công viên ISI ở Veng Sreng và Công viên ISI trên Quốc lộ 2.
Ông Chea Vuthy, Tổng thư ký Ban Đầu tư Campuchia thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia, bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án mới và yêu cầu đặc khu ISI tiếp tục đóng góp vào nỗ lực của Chính phủ Hoàng gia nhằm phát triển Sihanoukville và nền kinh tế Campuchia.
“Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hội đồng Phát triển Campuchia, ISI Group tự tin thúc đẩy dự án tiến triển. Sự hỗ trợ này không chỉ thiết lập khuôn khổ pháp lý cần thiết cho các hợp tác mới mà còn tạo ra môi trường thu hút cả đầu tư trong và ngoài nước”, ông cho biết.
Đặc khu đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Campuchia
Vuthy nhấn mạnh tầm quan trọng của Sihanoukville như một cực kinh tế quốc gia đầy tiềm năng và Chính phủ Hoàng gia Campuchia luôn coi khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Campuchia.
Say Samal, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quản lý Đất đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia, cho biết ông kỳ vọng khu kinh tế này có thể tạo ra chuỗi sản xuất khép kín và xuất khẩu trực tiếp, vì những yếu tố này phản ánh sự phát triển của quốc gia.
“Tôi hy vọng rằng đặc khu này sẽ có thể sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện để xuất khẩu”, Samal nói.
Đặc khu kinh tế được thành lập trên khắp Campuchia để cung cấp cho các nhà đầu tư dịch vụ "một cửa" cho hoạt động xuất nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho hoạt động thương mại.
Các đặc khu này cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia và kết nối với các tuyến giao thông quan trọng.
Các SEZ chủ yếu tập trung vào các ngành như may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch, phụ tùng ô tô, điện tử, sản xuất lốp ô tô và lắp ráp ô tô và xe đạp.
Theo một báo cáo, hiện nay, 28 trong tổng số 52 đặc khu kinh tế đang hoạt động trên khắp Campuchia với 835 nhà máy, tạo ra khoảng 200.000 việc làm.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Campuchia, kim ngạch xuất khẩu của nước thông qua các SEZ đạt 5,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024.
Hồi tháng 5/2024, Trung Quốc đồng ý thăm dò khả năng mở rộng hoặc thành lập thêm các đặc khu kinh tế tại Campuchia. Trung Quốc cam kết khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào Vương quốc này và mở rộng nhập khẩu nông sản từ Campuchia.
Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE), năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 26,19 tỷ USD, tăng 15,7% so với mức 22,64 tỷ USD của năm 2023.
Cũng theo báo cáo, Vương quốc này đã nhập khẩu 28,54 tỷ USD hàng hóa từ các đối tác thương mại, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu cho thấy tổng khối lượng thương mại của Campuchia đạt hơn 54,74 tỷ USD, tăng 16% so với mức 46,82 tỷ USD của năm trước.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Campuchia là hàng may mặc, máy móc, thiết bị điện, sản phẩm giày dép, đồ da, ngũ cốc, đồ nội thất, cao su, trái cây, rau quả, ngọc trai, đồ chơi và hàng dệt may.