Cấm cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai

Hải Sơn | 10:12 22/06/2022

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu về việc cấm các tổ chức tín dụng cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai.

Cấm cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
Cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai được cho là có nhiều rủi ro.

Hiện nay, đa phần các dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai... Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước dự định cấm các tổ chức tín dụng cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai.

Đây là quy định mà Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ đưa vào khi sửa đổi Thông tư số 39/ 2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cấm các tổ chức tín dụng cho vay vốn để góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ hoặc không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh không hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn: Việc đánh giá phương án khả thi và khả năng trả nợ của khách hàng là rất khó do hiệu quả của phương án được xác định bởi khoản lợi tức cố định do bên nhận góp vốn cam kết trả cho khách hàng, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của bên nhận góp vốn và nguồn trả nợ của khách hàng được thẩm định, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của bên nhận góp vốn.

Trường hợp việc xác định vốn vay được sử dụng đúng mục đích được thực hiện, nhưng sau khi giải ngân vào tài khoản của bên nhận góp vốn, một số trường hợp tổ chức tín dụng không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.

Đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thực tế cho thấy doanh nghiệp không có nhân sự có kinh nghiệm, không có máy móc, phương tiện hoạt động thi công công trình; không có tài sản cố định phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh, không có khả năng tài chính cũng như năng lực thực hiện dự án/phương án... Trong khi đó, tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay thiếu chặt chẽ...

Về cho vay hoàn vốn tự có, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay và tính xác thực của các giao dịch mà tổ chức tín dụng tài trợ trong thực tế; tổ chức tín dụng sẽ không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân.

Về cho vay thanh toán tiền đặt cọc: tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên hầu hết các dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Sau khi tổ chức tín dụng cấp tín dụng khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng bổ sung cấm các tổ chức tín dụng cho phép vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thực tiễn thời gian qua, một số tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cảnh báo tổ chức tín dụng, vì vậy, cần xem xét bổ sung quy định này để đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cấm cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO