Cái bẫy Black Friday: Tưởng hời mà không hời, hàng hóa giảm sâu nhưng vẫn đắt hơn bình thường?

Như Quỳnh | 10:09 25/11/2022

Người tiêu dùng trông chờ dịp Black Friday này có thể sẽ thất vọng bởi một số món hàng hóa dù sale đến 80%...vẫn đắt hơn so với hàng năm.

Cái bẫy Black Friday: Tưởng hời mà không hời, hàng hóa giảm sâu nhưng vẫn đắt hơn bình thường?
Ảnh: Getty Images

Dịp Black Friday - lễ hội đại hạ giá lớn nhất năm theo văn hóa. phương Tây đang diễn ra. Tại Mỹ, mặc dù các nhà bán lẻ đang quảng cáo giảm giá tới 70%, thậm chí 80% các mặt hàng quần áo, TV và các sản phẩm khác, nhiều mặt hàng vẫn sẽ có giá cao hơn so với năm ngoái do lạm phát. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng khó có thể tìm kiếm một món hàng giới giá hời theo đúng nghĩa.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 vừa qua, các mặt hàng như đồ nội thất và thiết bị đã tăng đến 18% so với năm 2021. Theo công ty phân tích DataWeave - chuyên theo dõi giá của hàng trăm nghìn mặt hàng trên khoảng 30 nhà bán lẻ bao gồm Amazon và Target. Đối với mặt hàng đồ chơi, lạm phát đã khiến giá tăng thêm khoảng 2%.

Cũng theo DataWeave, với mặt hàng quần áo, áp lực giá cả dường như nhẹ hơn, mức chi trả của người tiêu dùng giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá các loại giầy dép duy trì ổn định.

Ông Nikki Baird, Phó chủ tịch chiến lược của Aptos, một công ty công nghệ bán lẻ, cho biết: “Đây là thời điểm kỳ lạ để mọi người tìm ra đâu là mức giá phù hợp và đâu là mức giá thực sự."

Báo cáo doanh số bán lẻ mới nhất của chính phủ Mỹ cho thấy doanh số bán hàng đã tăng trong tháng trước ngay cả khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Điều này càng cho thấy tâm lý tiêu dùng đang cải thiện trong bối cảnh ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm Black Friday đang đến gần, mở đầu dịp mua sắm cuối năm 2022.

Ông Michael Liersch, người đứng đầu bộ phận tư vấn và lập kế hoạch tại Wells Fargo, cho biết vào mùa mua sắm cuối năm này, nhiều khả năng mọi thứ sẽ có vẻ như được giảm giá mạnh nhưng trước bối cảnh lạm phát, điều đó dường như không thật sự xảy ra khi các nhà sản xuất lặng lẽ thu nhỏ kích thước hoặc số lượng hàng hóa.

Xu hướng đó đã diễn ra trong một cuộc kiểm tra tại chỗ gần đây của DataWeave về các mặt hàng khác nhau. Ví dụ: máy xay sinh tố hai tốc độ Cuisinart, được niêm yết ở mức 59,99 USD đang được chiết khấu 25%, hiện có giá 44,99 USD tại chuỗi cửa hàng tạp hóa Fred Meyer. Tuy nhiên thực tế nó vẫn đắt hơn so với máy xay năm ngoái với giá chỉ 39,99 USD.

Tại Kohl's, người mua sắm đã trả nhiều tiền hơn cho những đôi giày sang trọng của nam giới vào mùa thu này so với một năm trước đó khi mức giảm giá thực sự lớn hơn và giá niêm yết thấp hơn. Một đôi giày có giá 79,99 USD sau khi giảm giá gần 16% so với giá đề xuất 95 USD. Tuy nhiên cùng thời điểm này vào năm ngoái, giày này có giá gốc là 85 USD và được giảm giá còn 59,99 USD.

Ông Kevin Brasler, biên tập viên điều hành của Consumers’ Checkbook, một tổ chức tiêu dùng phi lợi nhuận đã lưu ý rằng các nhà nghiên cứu của họ đã dành 33 tuần kể từ ngày 9 tháng 2 để theo dõi giá bán tại 25 nhà bán lẻ lớn.

Họ nhận thấy giá ưu đãi của hầu hết các cửa hàng - ngay cả những cửa hàng khuyến khích khách hàng tiết kiệm đều là giảm giá không có thật, với các nhà bán lẻ cung cấp cùng một mức "giá ưu đãi" trong hơn một nửa thời gian. Trên thực tế, tại nhiều nhà bán lẻ, giá mà người tiêu dùng thực sự phải trả là giá niêm yết gốc, Brasler nói.

Theo LAT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cái bẫy Black Friday: Tưởng hời mà không hời, hàng hóa giảm sâu nhưng vẫn đắt hơn bình thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO