Bất lợi cho nhà đầu tư
Như MarketTimes đã đưa tin, Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát (Công ty Tâm Lộc Phát) quảng cáo rầm rộ trên Website và trên mạng xã hội, công bố chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày với lãi suất khủng đến nay đã thu hút hàng nghìn nhà đầu tư với số tiền lớn. Tuy nhiên, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro, mà ở đây là rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư.
Trong hợp đồng hợp tác góp vốn kinh doanh của Tâm Lộc Phát lập ra với nhà đầu tư ghi rõ Điều 5.1: “Tâm Lộc Phát được toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyết định riêng…”.
Như vậy, với loại hình hợp đồng hợp tác góp vốn kinh doanh là hợp đồng ngang hàng, trách nhiệm pháp lý của Tâm Lộc Phát và nhà đầu tư là như nhau và phân chia công việc rõ ràng. Cụ thể theo điều 5.1, trách nhiệm của nhà đầu tư là góp tiền và trách nhiệm của Tâm Lộc Phát là dùng tiền của nhà đầu tư góp vốn đi kinh doanh và trả lãi cho nhà đầu tư. Với kế hoạch kinh doanh và kế hoạch giải ngân vốn đều không được Tâm Lộc Phát nêu trên hợp đồng, vậy đồng vốn của nhà đầu tư đã được Tâm Lộc Phát dùng ra sao?
Cũng theo hợp đồng tại Điều 5.2, nhà đầu tư bị ràng buộc khi chỉ có quyền yêu cầu rút vốn đầu tư theo hợp đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày Công ty nhận được đầy đủ vốn đầu tư theo trong hợp đồng hai bên ký. Quá thời gian trên, nhà đầu tư không có quyền yêu cầu rút vốn trước thời hạn. Trong trường hợp được rút vốn, nhà đầu tư phải thanh toán cho Công ty chi phí rút vốn là 20% giá trị hợp đồng trước khi Công ty ký đơn rút vốn để giải ngân cho nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác và dừng chi trả lợi nhuận và vốn đầu tư với nhà đầu tư nếu phát hiện nhà đầu tư vi phạm chính sách, vi phạm các hoạt động của Công ty. Cụ thể là: Nói xấu, phát ngôn tiêu cực, lôi kéo nhà đầu tư và nhân viên Công ty qua Công ty đối thủ đang hoạt động cùng lĩnh vực.
Trở lại báo cáo tài chính của Công ty Tâm Lộc Phát được nêu trong kỳ trước, trong 3 năm kinh doanh 2020, 2021 và 2022, Tâm Lộc Phát liên tục thua lỗ. Năm 2020 và 2021, mặc dù được Công ty giới thiệu “thành công vượt qua bão Covid-19 và trả tiền lời đầy đủ cho nhà đầu tư” nhưng trên số liệu thực tế hoàn toàn không phát sinh doanh thu (hoạt động kinh doanh không thu về tiền).
Năm 2022, Tâm Lộc Phát có doanh thu cả năm đạt 467,5 triệu động nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao bất thường gấp 2 lần doanh thu đến 1,03 tỷ đồng, Công ty ghi nhận lỗ 565,7 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh không đủ “nuôi” bộ máy vận hành doanh nghiệp, Tâm Lộc Phát sẽ sử dụng nguồn tiền nào để “nuôi” khoản lãi khủng trả cho nhà đầu tư?
Vậy hoạt động huy động vốn này được ghi nhận vào báo cáo nào, hay đây là một trong những chiêu để Tâm Lộc Phát “lách luật” để không đóng thuế cho nhà nước?.
Ngay đầu năm 2023, Tâm Lộc Phát đã huy động được rất nhiều tiền của nhà đầu tư, trong đó có nhiều hợp đồng lên đến 500 triệu đồng/hợp đồng. Số tiền này không những chuyển vào tài khoản của Công ty Tâm Lộc Phát mà còn chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Khuyên, Tổng Giám đốc. Hơn nữa, trong Giấy phép đăng ký kinh doanh không có ngành nghề nào liên quan đến huy động vốn hay đầu tư tài chính.
Rủi ro pháp lý
Để làm rõ những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi đầu tư vào Tâm Lộc Phát, Markettimes đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Lê Thu Hằng, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú về vấn đề này.
Luật sư Lê Thu Hằng cho biết, hiện nay các mô hình huy động vốn của các doanh nghiệp xuất hiện tại nhiều tỉnh thành phố với nhiều hình thức khác nhau, thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng đặt cọc… liên kết dễ dàng qua các app trên mạng trực tuyến với điểm chung của các dự án này đều hứa hẹn lợi ích tài chính lớn cho khách hàng, đặc biệt một số doanh nghiệp còn có các biểu tài chính luỹ kế mức lợi nhuận theo số tiền đầu tư và thời gian đầu tư với mức lãi suất cao.
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015: “lãi suất theo thoả thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”, do đó trong trường hợp các bên có tranh chấp thì mức lãi suất bên yêu cầu chỉ được giới hạn theo quy định.
Như vậy, các doanh nghiệp huy động lãi suất cao đánh trúng tâm lý của khách hàng về mức đầu tư mang nhiều lợi nhuận lớn đến mức hơn 20%/năm để nhanh chóng xuống tiền.
Tuy nhiên với các mô hình huy động vốn này dù có thể hiện dưới dạng có văn bản thoả thuận đều mang lại rủi ro lớn cho khách hàng. Bởi trong trường hợp khách hàng chưa tìm hiểu pháp lý về Công ty, loại hình công ty kinh doanh, sản phẩm, dự án... thì ngay cả khi những thông tin về Công ty và dự án có thật nếu Công ty hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, không thực hiện đúng theo cam kết tài chính thì khách hàng buộc phải mất thời gian để yêu cầu thanh toán tiền bao gồm số tiền gốc và tiền lãi.
Số tiền lãi khách hàng yêu cầu tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ được xác định theo quy định, phần tiền lãi vượt quá sẽ không được giải quyết, thậm chí có thể bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi nếu đến con số 100%/năm.
Bên cạnh đó, các điều khoản hợp đồng hợp tác kinh doanh đều được soạn đơn phương từ phía các doanh nghiệp nên nếu khách hàng không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng gây bất lợi khi giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền.
“Rõ ràng, với những hợp đồng kiểu này, rủi ro, bất lợi luôn luôn đứng về phía nhà đầu tư và nguy cơ doanh nghiệp phá sản cùng khối tài sản “đúng luật” là hiện hữu”, Luật sư Lê Thu Hằng nhấn mạnh.