Rủ nhau “bùng nợ” các app tài chính, dễ dính tội lừa đảo và vướng bẫy tín dụng đen

PV | 15:31 22/03/2023

Việc người dân tham gia vào các hoạt động "bùng nợ" các app tài chính sẽ phải đối mặt với tội lừa đảo; mặt khác người dân có thể vướng vào “tín dụng đen”, khiến người đi vay bị siết cầm cố hoặc bán tài sản của mình đi trả nợ.

Rủ nhau “bùng nợ” các app tài chính, dễ dính tội lừa đảo và vướng bẫy tín dụng đen
Khi tham gia vào hoạt động "bùng nợ" các app tài chính, người tiêu dùng đối mặt với nhiều hệ luỵ. (Ảnh minh hoạ: Int).

Trước làn sóng nhiều khách hàng cố tình bùng nợ các app tài chính, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin nhằm lôi kéo, tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app một cách bất hợp pháp.

Xuất hiện nhiều hội nhóm

Khi khách hàng không đủ tiêu chí để vay tiền ngân hàng hoặc vay các khoản nhỏ, họ đã tìm đến các công ty tài chính vay qua aap với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm tìm cách và hướng dẫn “bùng” các khoản nợ.

Truy cập mạng xã hội, nhất là trang facebook, chỉ cần gõ “bùng nợ” qua app, xuất hiện hàng chục nhóm lớn nhỏ khác nhau, như “Hội bùng app và chia sẻ cách đối phó”, “Hội bùng tiền các công ty tài chính”, “hội dùng tiền app vay online”, “Hội bùng app vay tiền và cách đối phó”…. Nhóm lớn lên đến gần 100.000 thành viên, nhóm nhỏ khoảng 15.000 – 20.000 thành viên.

Tại đây, các thành viên tìm hiểu cách vay và “bùng nợ” các khoản tiền từ một vài triệu đến vài chục triệu thông qua app của các công ty tài chính. Cũng có nhiều thành viên chia sẻ cách “bùng nợ” thành công.

Một thành viên tên M.N chia sẻ: “hiện tôi đang nợ app chồng chất mới nghĩ đến việc bùng. Giờ chỉ sợ các app này làm rùm beng lên ảnh hưởng đến gia đình và công việc. Nhờ các “cao nhân” chỉ giúp cách bùng”. Sau khi đoạn chia sẻ này được xuất hiện, có gần 100 bình luận hướng dẫn cách “bùng”.

Thành viên N.N thì cho biết, hiện đang vay tiền của khoảng 10 app, mỗi áp tầm 3 triệu đồng, khi nào “bùng nợ” được thì sẽ chia sẻ với các thành viên trong nhóm.

Không chỉ vậy, nhiều thành viên còn chia sẻ cách “nuôi” app, nghĩa là sẽ thanh toán đúng hạn với các khoản vay lần đầu. Sau khi tạo được niềm tin với công ty tài chính thì sẽ tiếp cận với các khoản vay lớn hơn. Đến khi vay được khoản từ 10-20 triệu đồng thì họ mới tính bài “bùng”.

Theo một số chuyên gia tài chính, do còn sơ hở, thiếu quy định trong việc trả nợ với các khoản vay công ty tài chính nên hiện có xu hướng tiêu cực là cố tình "bùng nợ". Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, bởi các doanh nghiệp phải siết lại cho vay, thậm chí tăng lãi suất để bù lại rủi ro. Nhiều người sẽ khó vay, dễ lâm vào tín dụng đen với lãi suất cao và nhiều ẩn số.

Dễ đối diện với tội “lừa đảo”

Trước thực trạng này, đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho biết, thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều khách hàng đã không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, chây ì trả nợ ngày một nhiều. Chính vì thế, 3 tháng qua PTF đã phải tạm thời ngừng cho vay mới mà tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt.

Phía FE Credit cũng khẳng định, doanh nghiệp này “không chấp nhận hành vi đòi nợ bất hợp pháp”. Tuy nhiên, trước tình hình người vay bùng nợ nhiều như hiện nay, công ty này cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần có chế tài với người đi vay, phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ, tuân thủ các quy định trả nợ để hình thành một thói quen “vay văn minh, trả văn minh”.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên, nhất là nhân viên thu hồi nợ, sales...

Trước đó, trả lời báo chí, vị đứng đầu F88 cho biết, đối với những khách nợ muộn, không trả nợ đúng hạn, thậm chí không trả nợ và đã đến giai đoạn nhắc nợ, F88 yêu cầu những người làm ở vị trí nhắc nợ rằng “đòi nợ làm sao nhưng khách hàng vẫn phải vui”.

Nhiều công ty tài chính cũng cho rằng, hiện nay, một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội đã tung thông tin không đúng bản chất sự việc khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Do đó, khi các app không đòi, chủ nợ có thể bán khoản nợ hoặc khởi kiện để đảm bảo con nợ khi vay sẽ phải trả theo đúng nguyên tắc của pháp luật. “Sẽ rất khó để "bùng" nợ nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định”, luật sư Thái nhận định.

Trường hợp người vay cố tình bùng nợ, luật sư cho biết sẽ phải đối diện với tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Bộ luật hình sự. Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.

Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu thật cũng cần cân nhắc thật kỹ trước khi vay tiền các app tài chính, bởi nhiều app cũng chưa có uy tín, có thể đây là cái bẫy tín dụng đen, đến lúc người dân cần tất toán các khoản nợ thì khoản đó đã đội lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần số tiền đi vay, khiến người đi vay phải cầm cố hoặc bán hết tài sản cho họ.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin nhằm lôi kéo, tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp, hoặc sử dụng dịch vụ "bùng" nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội ra vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Rủ nhau “bùng nợ” các app tài chính, dễ dính tội lừa đảo và vướng bẫy tín dụng đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO