Các ngân hàng nắm giữ lượng lớn TPDN đều có kết quả kinh doanh tốt

Vân Anh | 12:28 23/10/2022

Báo cáo quý III/2022 của một số ngân hàng cho thấy lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mà ngân hàng nắm giữ chưa thay đổi nhiều so với cuối quý II vừa qua.

Các ngân hàng nắm giữ lượng lớn TPDN đều có kết quả kinh doanh tốt
Nguồn thu nhập của các ngân hàng đến từ TPDN có thể từ phần lãi trái phiếu (coupon) mà doanh nghiệp phải trả định kỳ, hoặc là phần chênh lệch khi ngân hàng mua và bán lại TPDN cho các cá nhân và tổ chức khác. (Ảnh: Zing News)

Nội dung chính:

  • TPDN mà các ngân hàng nắm giữ về bản chất là khoản ngân hàng cho vay và phải chịu rủi ro nợ xấu. 
  • Các ngân hàng nắm giữ từ 1 tỷ USD TPDN trở lên tính đến cuối quý II/2022 bao gồm: MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank. 

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một khoản đầu tư quen thuộc của các ngân hàng thương mại, tương tự các khoản cho vay. Mua, nắm giữ và bán TPDN vì vậy là các hoạt động nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng. 

Tuy nhiên, TPDN đang là sản phẩm khiến thị trường tài chính e ngại, đặc biệt sau các sự kiện về Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Rủi ro với cá nhân/tổ chức nắm giữ TPDN xảy ra khi chủ thể phát hành mất khả năng trả nợ khi các lô trái phiếu đến hạn. Nguyên nhân có thể đến từ rủi ro trong kinh doanh, khiến doanh nghiệp hụt dòng tiền, không thể đảo nợ… Cũng có thể đến từ các sự kiện pháp lý khi chủ doanh nghiệp bị bắt, khởi tố trong các vụ án hình sự. 

Các ngân hàng đã giảm số dư TPDN đang nắm giữ 

Tính đến cuối quý II/2022, có 4 ngân hàng nắm giữ từ xung quanh 1 tỷ USD trở lên (trên 20.000 tỷ đồng) TPDN, bao gồm MB Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Trong đó MBBank và Techcombank nắm giữ giá trị TPDN xấp xỉ 50.000 tỷ đồng. 

Đến nay đã có 3 trong số bốn ngân hàng nói trên công bố báo cáo tài chính quý III, cho biết số dư TPDN nắm giữ vẫn chưa thay đổi đáng kể so với cuối quý II/2022. 

Cụ thể, Techcombank đã đưa giá trị trái phiếu nắm giữ từ 49.345 tỷ đồng cuối quý II/2022 về con số 43.501 tỷ đồng, giảm gần 12%. VPBank giảm 11%, còn hơn 33.000 tỷ đồng. TPBank giảm nhẹ 4%, còn hơn 22.300 tỷ đồng. 

Giá trị TPDN do các ngân hàng nắm giữ từ cuối năm 2021 đến cuối quý III/2022 (Đơn vị: Tỷ đồng)

4 nhà băng này đều có kết quả kinh doanh tốt

Là một khoản mà các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, TPDN cũng như các khoản vay khác đều đóng góp thu nhập cho các ngân hàng. Dù vậy, giá trị TPDN nắm giữ không được cộng gộp vào giá trị các khoản cho vay của các ngân hàng, mà được xếp vào nhóm tài sản đầu tư sẵn sàng để bán.

Với các tài sản này, ngân hàng có thể nắm giữ hoặc bán ngay khi “được giá”. 

Như vậy, trong trường hợp tổ chức phát hành TPDN mất khả năng thanh toán, trong khi các ngân hàng chưa kịp “sang tay” cho nhà đầu tư khác, ngân hàng sẽ phải chịu toàn bộ rủi ro với các lô trái phiếu nắm giữ khi đến hạn. 

Giá trị TPDN các ngân hàng nắm giữ (tỷ đồng) và tương quan so với các khoản cho vay khách hàng (%) cuối quý III/2022.

Nguồn thu nhập của các ngân hàng đến từ TPDN có thể từ phần lãi trái phiếu (coupon) mà doanh nghiệp phải trả định kỳ, hoặc là phần chênh lệch khi ngân hàng mua và bán lại TPDN cho các cá nhân và tổ chức khác. Phần chênh lệch lãi suất này thông thường ở mức 1 - 2% giá trị trái phiếu, được coi như một khoản hoa hồng khi ngân hàng đóng vai trò trung gian phân phối. 

Đóng góp cụ thể từ TPDN lên thu nhập của các ngân hàng không được công bố chi tiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các ngân hàng nắm giữ lượng lớn TPDN đều có kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận vượt trội. 

Techcombank, VPBank và TPBank hiện đang thuộc top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2022. Thứ hạng sẽ thay đổi khi nhóm Big4 ngân hàng (Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV) công bố báo cáo tài chính vào những ngày tới.

Cụ thể, Techcombank sau 9 tháng đầu năm báo lãi trước thuế hơn 20.800 tỷ đồng, VPBank đạt hơn 19.800 tỷ đồng và TPBank lãi hơn 5.900 tỷ đồng. 

Lợi nhuận của một ngân hàng không có mối tương quan chặt chẽ với giá trị TPDN mà ngân hàng đó nắm giữ. 

Tuy nhiên khi nắm giữ một lượng lớn các sản phẩm tài chính nhiều rủi ro, ngân hàng buộc phải có cơ chế quản trị rủi ro tốt. Đầu tư TPDN hay tập trung vào các hoạt động cho vay khách hàng, kinh doanh ngoại hối, dịch vụ bảo hiểm… là chiến lược riêng của từng ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng có năng lực quản trị rủi ro tốt, dù kinh doanh lĩnh vực nào, cũng đều mang lại kết quả khả quan. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các ngân hàng nắm giữ lượng lớn TPDN đều có kết quả kinh doanh tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO