Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh với sự tham dự của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và cơ quan, ban, ngành liên quan.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA đánh giá, mặt bằng lãi suất của ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư "vẫn rất cao", phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng huy động tới 11,5%.
"Điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay", Tổng thư ký VNBA nhận xét. Việc tăng lãi suất huy động cũng khiến chi phí đầu vào các nhà băng tăng lên, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khó giảm lãi suất cho vay.
Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung để giữ chân khách hàng.
Theo ông Hùng, thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu. Tuy vậy, vẫn còn “chỗ này, chỗ kia thiếu thanh khoản và đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các TCTD không được như trước, dẫn đến thị trường liên ngân hàng có lúc bị chao đảo, thậm chí hoạt động không được thông suốt như trước.
“Có lúc, có nơi, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra. Tuy nhiên, NHNN đã nhận thấy và kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp như cho vay qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng. Hoạt động bơm vốn kịp thời, hài hòa của NHNN đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ổn định. Dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm phải tập trung củng cố thanh khoản và mong muốn NHNN tiếp tục hỗ trợ thêm về thanh khoản cho hệ thống thông qua các công cụ khác nhau, khi đó ngân hàng mới có nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế”, ông Hùng nói.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện nhiều ngân hàng đề nghị NHNN có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (SWAP ngoại tệ) và cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn dài (OMO).
Theo đại diện VietinBank, thanh khoản thực của hệ thống có sự sụt giảm nhất định do chính sách giảm áp lực lên tỷ giá của NHNN khiến chi phí huy động vốn trên thị trường gia tăng. Trong bối cảnh nhu cầu vay USD của thị trường không lớn, VietinBank đề nghị NHNN có sự hỗ trợ thanh khoản tiền Đồng thông qua nghiệp vụ FX SWAP từ USD sang VND.
Kiến nghị với NHNN, đại diện BIDV đề xuất cơ quan này tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO và cho vay tái cấp vốn. Đồng thời, BIDV cũng mong muốn NHNN có thể nới lỏng hơn quy định về cho vay/huy động (LDR) trong bối cảnh huy động vốn khó khăn.
Trao đổi về đề xuất của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết đã trao đổi với Thống đốc và Thống đốc hoàn toàn đồng tình với quan điểm về việc thực hiện SWAP để cho vay tiền VND đối các ngân hàng có ngoại tệ; kể cả bán ngoại tệ thì NHNN cũng sẵn sàng mua.
Ghi nhận kiến nghị, đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết vừa qua, NHNN đã bổ sung thêm kỳ hạn 91 ngày đối với công cụ OMO, bên cạnh kỳ hạn 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản của các ngân hàng. Với kỳ hạn 14 ngày,NHNN đã đưa ra mức lãi suất 6% với khối lượng phù hợp; tại kỳ hạn 91 ngày – đây là kỳ hạn dài nên NHNN sẽ có mức điều chỉnh phù hợp trên cơ sở thanh khoản hệ thống.
Với kiến nghị SWAP ngoại tệ, NHNN đang nghiên cứu kỹ lưỡng để áp dụng với thời điểm, liều lượng phù hợp với các công cụ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, cơ quan này luôn sẵn sàng cung ứng ứng vốn đầy đủ cho hệ thống. Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, SWAP ngoại tệ.