Các ngân hàng cần đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn

PV | 09:40 16/12/2022

Trước việc nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các ngân hàng cần đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn.

Các ngân hàng cần đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các ngân hàng cần đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn. (Ảnh: Int)

Phát biểu tại cuộc họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, nói về thực tế mặt bằng lãi suất huy động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao.

Tính đến ngày 14/12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

Như vậy, so với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm. Bởi một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó…

Ngân hàng Nhà nước dự báo, trong dịp cuối năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngày 6/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên 1,5 - 2%.

Hiện đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Cụ thể, BIDV giảm lãi suất giảm 0,5- 2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1- 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu…

Hiện doanh nghiệp vẫn phản ánh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 - 16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 14%/năm.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí, không để tình trạng giảm “tay trái” nhưng lại tăng “tay phải”.

Tuy nhiên, giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung.  

Đồng thời, cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ.

“Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn”, Phó Thống đốc nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định nguồn vốn sản xuất, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm đã bao gồm các khoản khuyến mại.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng. Tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các ngân hàng cần đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO