Nội dung chính:
- Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và 14 tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp bất động sản sẽ họp trực tuyến trong sáng nay để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc.
- Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực với lãi suất vay thả nổi
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cùng nhiều ban ngành và 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng), một số doanh nghiệp bất động sản sẽ họp trực tuyến nhằm triển khai Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 24/10 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 993 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong Công điện này, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản, có giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.
Thủ tướng yêu cầu có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho bất động sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương giải ngân.
Gói tín dụng 120.000 tỷ là gói hỗ trợ cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Gói tín dụng được triển khai từ 1/4 và kết thúc muộn nhất vào 31/12/2030.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, sau nửa năm triển khai Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 83 tỷ trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực với lãi suất vay thả nổi. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn vẫn khó khăn trước các khoản vay lãi cao.
Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng khi thanh khoản sụt giảm, nhiều phân khúc, loại hình không có giao dịch. Khó khăn của ngành địa ốc ngay lập tức tác động tiêu cực đến một loạt nhóm ngành có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng…
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp buộc giảm quy mô hoạt động, thậm chí phá sản. Chính phủ liên tục ban hành hàng loạt các công điện, văn bản; tổ chức các hội thảo, hội nghị; lập tổ công tác… nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản được đánh giá là có diễn biến khả quan hơn so với 1 năm trước nhưng những điểm nghẽn về vốn, về nguồn cung… vẫn chưa được tháo gỡ.