Đối với nhóm kim loại quý, bạc và bạch kim đồng loạt kết phiên trong sắc xanh.
Giá bạc đóng cửa tại mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 8, sau khi tăng 1% lên 18,44 USD/ounce.
Bạch kim kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần qua, tăng 2,27% lên 866,4 USD/ounce.
Vào hôm qua, mặc dù hàng loạt người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về việc mạnh tay kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, nhưng những phát biểu không quá mới lạ đã giúp lực mua tiếp tục được thúc đẩy trên thị trường kim loại quý.
Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bổ sung thêm 75 điểm cơ bản chưa từng có trong cuộc họp lãi suất ngày hôm qua là động thái không gây bất ngờ cho thị trường.
Trong khi đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Viện Cato, mặc dù tiếp tục cam kết mạnh mẽ trong tiến trình thắt chặt tiền tệ, nhưng đồng thời cũng bày tỏ về hi vọng lạm phát được kiềm chế mà sẽ không gây ra tổn thất và chi phí xã hội nào quá cao.
Điều đó đã đem lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư và dòng tiền quay trở lại các thị trường rủi ro.
Mặt khác, số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua giảm nhẹ 6.000 xuống mức 222.000 người, củng cố cho một thị trường lao động vẫn đang chặt chẽ.
Nhiều nhà giao dịch đang có cái nhìn tích cực hơn về viễn cảnh lạm phát sẽ hạ nhiệt trong khi sức khoẻ của nền kinh tế không quá tiêu cực. Điều đó đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim trong phiên.
Với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng vọt 2,81% lên mức 3,52 USD/pound trong bối cảnh lo ngại về sự gián đoạn từ nguồn cung.
Mỏ đồng lớn nhất trên thế giới Escondida, chiếm khoảng 6,5% sản lượng đồng toàn cầu đang phải đối diện với rủi ro đình công từ các công nhân trong vấn đề an toàn lao động.
Trong khi đó, thông tin về việc tổng thống Indonesia cho biết nước này sẽ ngừng xuất khẩu đồng thô, bauxit và thiếc nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài vào chuỗi giá trị nội địa cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Quặng sắt phục hồi với mức tăng mạnh nhất nhóm kim loại 3,7%, cán mốc 100 USD/tấn trước thông tin Thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng tất cả các dự án nhà ở bị đình trệ trong vòng 30 ngày, bằng cách sử dụng hiệu quả khoản vay đặc biệt.
Nhu cầu sắt thép trong tháng 9 và tháng 10 tại quốc gia này được kỳ vọng sẽ hồi phục cho các hoạt động xây dựng và do đó, hỗ trợ cho giá quặng sắt trong phiên.
Trên thị trường nội địa, giá thép tiếp tục tăng trở lại.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép lần thứ 2 liên tiếp.
Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 150.000 - 200.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Ở lần điều chỉnh này, thép Pomina là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 450.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 lên 16,24 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 lên 15,33 triệu đồng/tấn sau khi tăng 250.000 đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 190.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này là 14,82 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh tăng thép thanh vằn D10 CB300 và giữ nguyên giá thép cuộn CB240.
Như vậy, đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của giá thép sau 15 lần giảm kể từ ngày 11/5. Tổng mức tăng sau hai lần điều chỉnh tới gần 1 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.