Các doanh nghiệp lãi - lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng

Quỳnh Anh | 09:49 01/12/2022

Tỷ giá USD/VND tăng liên tục trong 9 tháng đầu năm 2022 đã khiến các doanh nghiệp lỗ tỷ giá từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, một số ít doanh nghiệp lãi tỷ giá nhờ hoạt động kinh doanh đặc thù.

Các doanh nghiệp lãi - lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng
Ảnh minh họa: CurrencyFair

Nội dung chính:

  • 9 tháng năm nay, Viettel Global báo lãi tỷ giá đã thực hiện cao vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường. 
  • Loạt doanh nghiệp đầu ngành ghi nhận khoản lỗ ròng chênh lệch tỷ giá đã thực hiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 
  • Chỉ số Dollar Index có xu hướng hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất 20 năm hồi cuối tháng 9. 

9 tháng năm nay, Viettel Global thu về khoản lãi ròng chênh lệch tỷ giá cao vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại trên sàn chứng khoán, lên đến gần 1.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thường hạch toán riêng rẽ các khoản lãi và lỗ tỷ giá khi lập báo cáo kết quả kinh doanh. 

Viettel Global thu về khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện trong 9 tháng năm nay. 

Hiện nay, Viettel Global đang hoạt động tại 9 thị trường nước ngoài, trong đó Đông Nam Á vẫn là thị trường chủ đạo. Nhờ đó, các công ty con và công ty liên kết tăng trưởng tốt, cộng với khoản lãi chênh lệch tỷ giá giúp lợi nhuận sau thuế của Viettel Global đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng chú ý, quý III/2022 đánh dấu quý kinh doanh có doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. 

CTCP Dịch vụ Khai thác Dầu khí (PTSC) cũng nằm trong số ít doanh nghiệp báo lãi chênh lệch tỷ giá, gần 160 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ FiinPro, các doanh nghiệp công bố chi tiết về khoản mục lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện đều ghi nhận mức lãi ròng dưới 100 tỷ đồng, chênh lệch tương đối lớn so với con số nghìn tỷ của Viettel Global. 

Doanh nghiệp lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng

Với đà tăng của đồng USD với hầu hết các đồng tiền trên thế giới, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như Viettel Global hay PTSC. Các khoản vay bằng USD thường có mức lãi suất thấp hơn khi vay bằng VND, nhưng phải chịu rủi ro khi đồng USD tăng giá.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, thống kê từ FiinPro cho thấy một số doanh nghiệp đã lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng. 

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lỗ ròng gần 1.800 tỷ đồng trong 9 tháng năm nay do chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, nếu các chuyến bay quốc tế được khôi phục lại với tần suất cao, Vietnam Airlines có thể hưởng lợi một phần từ việc USD tăng giá trong dài hạn, SSI Research nhận định. 

Một số doanh nghiệp hàng đầu của ngành bất động sản, thép, hàng tiêu dùng cũng lỗ ròng chênh lệch tỷ giá hàng trăm - hàng nghìn tỷ đồng do sức ép tăng giá của đồng USD. 

Tất cả doanh nghiệp đang thu về các khoản lãi - lỗ tỷ giá đều hoạt động giao thương quốc tế, do đó tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành sẽ có những khoản chi phí hay doanh thu từ đồng USD khác nhau. Phần lớn lỗ tỷ giá xuất phát từ các khoản vay bằng USD, giá thành nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận hành tại thị trường nước ngoài (logistics, nhân công, kho bãi,...) được trả bằng đồng USD nhưng hạch toán bằng Việt Nam đồng khiến chi phí tăng cao.  

Các doanh nghiệp ngành xăng dầu như Petrolimex, PVGas hay Lọc Hóa dầu Bình Sơn đều ghi nhận lỗ tỷ giá tăng đáng kể, trong khi 9 tháng năm ngoái lãi ròng từ khoản mục này. 

*Số liệu sử dụng trong bài viết là khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện, được FiinPro cập nhật từ báo cáo tài chính quý III/2022 được các doanh nghiệp công bố công khai. 

Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm 

Thời gian qua, đồng đô la Mỹ liên tục tăng cao được cho là kết quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát leo thang ở nước này. 

Từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp, với mức tăng tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 3,75% - 4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Theo Forbes, nhiều chuyên gia dự đoán đồng USD sẽ còn tăng mạnh trong năm 2023 do đây vẫn được coi là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, trong khi các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục nâng lãi suất và tình hình tại Ukraine vẫn tiếp tục bất ổn. 

Đồng USD tăng giá sẽ gây sức ép đáng kể lên mục tiêu ổn định tỷ giá của Việt Nam và các doanh nghiệp có các khoản vay lớn bằng đồng bạc xanh.

Chỉ số Dollar Index (đo lường giá trị của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 loại tiền tệ khác) tại sáng ngày 01/12. (Ảnh: TradingView)

Tuy nhiên, chỉ số Dollar Index đã trượt khỏi mức cao nhất trong 20 năm hồi cuối tháng 9 và tiếp tục giảm giá trong phiên giao dịch cuối tuần trước, sau khi biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed cho thấy nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng thêm 0,5 điểm % vào tháng tới thay vì 0,75 điểm % như 4 lần liền trước. 

Tính đến ngày 30/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm giá bán USD 3 lần liên tiếp, hiện đang niêm yết ở mức 24.840 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm cũng giảm xuống còn 23.665 đồng/USD.


(0) Bình luận
Các doanh nghiệp lãi - lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO