Những chỉ số chính của nền kinh tế trong quý 3/2023 đã được công bố cho thấy GDP của Việt Nam đang ngày càng tích cực dần. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất PMI lại giảm trở lại cho thấy hoạt động sản xuất chưa phục hồi ổn định.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 3/2023 chưa có sự cải thiện đồng đều và vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nhất định. Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất trong quý 4 tới, như vậy muốn đạt được tăng trưởng cao thì các doanh nghiệp phải khỏe và kinh doanh tốt.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ đã và đang phát huy được tính hiệu quả và qua đó sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế trong quý 4, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và thị trường chứng khoán cũng sẽ tích cực hơn.
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông bà cũng đã thấy nền kinh tế tuy đã tiếp tục tăng trưởng so với hai quý đầu năm nhưng kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự có sự cải thiện đồng đều, hai ông bà đánh giá sao về điều này?
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
Trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 21.100 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn so với cùng kỳ của năm 2022 tăng gần 10%. Trong làn sóng đầu tư của FDI, chúng ta cũng thu hút được 16,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Và một tín hiệu tích cực nữa là trong 9 tháng đầu năm, chỉ số về dịch vụ, về tiêu dùng tăng 16%. Đồng thời, Việt Nam đang là một trong những quốc gia đứng đầu Đông Nam Á có sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Đối với các ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn trong các quý trước thì đến quý 3/2023 đã có sự phục hồi nhẹ. Ngành đang dẫn đầu xu hướng như điện nhẹ, công nghiệp nặng, công nghiệp bán dẫn, ngành công nghệ thông tin, ngành dệt may, da giày, dược phẩm, ngành nông nghiệp công nghệ cao, kể cả những ngành nghề lâm nghiệp, thủy sản. Đây là những ngành đóng góp tích cực trong đà xuất khẩu trong quý 3/2023.
Còn lại những ngành khác, ví dụ như ngành bất động sản thì có sự phục hồi nhẹ, dĩ nhiên chưa vượt qua được thời kỳ khó khăn. Có nhiều dự án đã được hình thành nhưng giảm giá 10-20% mà vẫn chưa tiếp cận được nhà đầu tư, người tiêu dùng thực sự muốn mua.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt
Như chúng ta đã thấy, tăng trưởng kinh tế quý đạt 5,3%, cao hơn mức tăng 3,3% của quý 1 và 4,1% của quý 2/2023, tuy nhiên, mức độ hồi phục chưa mạnh và có sự phân hóa giữa các ngành nghề.
Cụ thể, trong cấu phần tăng trưởng kinh tế quý 3, chúng tôi nhận thấy sự phục hồi đến từ khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo. Trong đó, đóng góp của khu vực FDI và xuất khẩu vào khu vực này tương đối lớn; đồng thời ghi nhận sự đảo chiều trong tăng trưởng từ âm sang dương của nhóm xuất khẩu như sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, dệt may, kim loại….
Chúng tôi cũng nhận thấy đà tăng trưởng cải thiện ở nhóm sản xuất, chế biến thực phẩm, hoá chất…
Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản vẫn tăng trưởng âm và chưa phục hồi.
Đối với các ngành xuất khẩu trọng yếu như điện tử, da giày, dệt may mặc dù tăng trưởng trở lại nhưng chúng tôi cho rằng mức tăng vẫn tương đối thấp khi so với kết quả tăng của các ngành này trong quá khứ.
Trong cùng tương quan với kết quả tăng trưởng kinh tế chung, chúng tôi ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy sự phục hồi còn khá yếu và có sự phân hóa. Ngoài ra, chỉ một số ít ngành duy trì được tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và so với quý 2 vừa qua như công nghệ, dược phẩm, thép, và dầu khí.
Vậy theo hai ông bà, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn gì?
TS. Mạc Quốc Anh: Chúng tôi đánh giá hiện nay đối với các doanh nghiệp, khó khăn đầu tiên chính là tổng cầu có sự suy giảm trong quý 3/2023. Vì hiện nay những nước có sự đầu tư dòng vốn vào các nước đang phát triển như Việt Nam thì họ tương đối thận trọng. Một phần nữa là tổng cầu của thị trường nội địa Việt Nam chúng ta cũng có sự suy giảm.
Dĩ nhiên, chúng ta đã có nhiều các chính sách, ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng, rất nhiều các chương trình kích cầu nên tiêu dùng nội địa trong nước của chúng ta có sự tăng trưởng. Bên cạnh đó, chúng ta đã giảm lãi suất 4 lần nhưng khoảng cách để doanh nghiệp tiếp cận các dòng vốn đó vẫn có sự cản trở, đó chính là các điều kiện đi kèm theo để vay được các gói hỗ trợ.
Chúng tôi cũng biết là có nhiều doanh nghiệp mong muốn có thể vay được các nguồn của quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hiện nay việc tiếp cận còn gặp một số khó khăn. Hoặc là đã chủ trương ưu tiên 5 ngành, lĩnh vực với lãi suất 4% nhưng với những số vốn giải ngân từ đầu năm đến giờ mới có khoảng 200 nghìn tỷ đồng, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn nguồn này vẫn được giải ngân nhiều hơn trong thời gian tới. Một phần là trong khó khăn của doanh nghiệp hiện nay đó chính là giá vận chuyển logistic của Việt Nam so với các nước ở khu vực và trên thế giới vẫn tương đối cao nên làm cho phần chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng bị đội lên theo.
Cuối cùng là nguồn nhân lực lao động trong các khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự dịch chuyển tương đối lớn sau dịch bệnh Covid 19, nên đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Chúng tôi cho rằng khó khăn của doanh nghiệp mang yếu tố chu kỳ kinh tế nhiều hơn, nghĩa là đang nhìn thấy thấp thoáng đâu đó vùng đáy của chu kỳ kinh tế đang hình thành, nhưng sự phục hồi mang dáng dấp hình chữ U hơn là chữ V.
Trong diễn biến phục hồi như vậy sẽ là khó khăn lớn cho cả khối doanh nghiệp nội địa và FDI bởi nhu cầu suy giảm ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài khó khăn kể trên thì doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đang thừa trong hệ thống ngân hàng thương mại, bởi nếu doanh nghiệp được giãn, hoãn nợ thì sẽ gặp khó để vay mới, và do độ trễ của tác động từ giảm lãi suất huy động đến lãi suất cho vay hay thủ tục vay vốn còn phức tạp.
Ngoài ra, theo khảo sát của VCCI, chi phí sản xuất kinh doanh cao đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, như chi phí lao động ngày càng tăng, chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến nghĩa vụ thuế, chi phí vận tải, logistic…
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì doanh nghiệp cần làm gì để bứt tốc tăng trưởng trong quý cuối năm qua đó thúc đẩy nền kinh tế và thị trường chứng khoán cũng sẽ tích cực trở lại?
TS. Mạc Quốc Anh: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng tăng cường tư vấn cho các doanh nghiệp, việc đầu tiên là phải mở rộng phạm vi về mặt thị trường, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số, kết hợp đổi mới, sáng tạo cao.
Chúng ta cũng phải giảm giá để kích cầu, và một phần nữa có những dịch vụ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc sau bán hàng hiện đại, thông minh và phải nhanh.
Doanh nghiệp chúng ta phải tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà chúng ta đã ký kết trong thời gian vừa qua rồi rất nhiều các chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được ban hành từ đầu năm đến nay thì chúng ta phải tận dụng mọi giải pháp đấy để làm sao làm tốt và làm lợi cho doanh nghiệp của mình.
Đối với đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư cho trang thiết bị thì đây cũng là một nhiệm vụ sống còn đối với doanh nghiệp. Với các giải pháp về mặt tài chính thì chúng ta cũng nên có phương án để trích lập các quỹ dự phòng rủi ro từ 3% – 5%, phòng khi nếu năm 2024 không may thị trường bị khó khăn thì chúng ta đã có một nguồn quỹ để bù vào.
Đối với nguồn nhân lực thì chúng tôi mong muốn doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư mạnh mẽ từ khâu đào tạo, huấn luyện, kết nối với các chuyên gia để làm sao nâng cao khả năng, trình độ từ tay nghề, từ chuyên môn, đạo đức.
Đặc biệt hiện nay, với nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp nào thực hiện tốt vấn đề về bảo vệ môi trường, vấn đề về biến đổi khí hậu thì chắc chắn rằng được rất nhiều đối tác, người tiêu dùng, người dân họ sẽ sử dụng những sản phẩm của doanh nghiệp, nên chúng ta cố gắng sử dụng những sản phẩm năng lượng xanh, năng lượng sạch để bảo vệ môi trường để có được sự tăng trưởng bền vững không chỉ quý 4/2023 mà sẽ phát triển trong những năm tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Theo tôi, trong quý cuối năm thị trường thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực nhất định khi lượng hàng tồn kho cũ được các đối tác nước ngoài giảm bớt, nhu cầu được xoay vòng trở lại thì doanh nghiệp nên thực hiện các chiến lược bán hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, đa dạng hóa thị trường, phát triển thị trường ngách, nâng cấp chất lượng và dịch vụ là một giải pháp cần liên tục triển khai trong bối cảnh kinh tế nhiều bất định như hiện nay.
Cuối cùng, việc đầu tư đổi mới công nghệ là điều cần thiết, thời điểm hiện tại nên tận dụng cơ hội lãi suất giảm để đầu tư và nếu có nguồn lực thì đầu tư sớm, nỗ lực tối ưu hoá quy trình hoạt động và năng suất lao động càng sớm càng tốt.
Trong kịch bản cơ sở, ước tính nội bộ của chúng tôi đối với khoảng 54 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành trong từng lĩnh vực kinh doanh, thì tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2023 sẽ cao hơn mức tăng trưởng nửa đầu năm khoảng 11%, và trong đó, trọng số tăng trưởng chủ yếu sẽ rơi vào quý 4/2023.
Với kỳ vọng trọng số tăng trưởng kinh tế sẽ rơi vào quý 4 như vậy, và ở mức VN-Index hiện tại thì P/E dự phóng đến cuối năm 2023 sẽ vào khoảng 13 - 14 lần, đây là mức hấp dẫn trong dài hạn.
Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không đảo chiều chính sách tiền tệ mà thay vào đó sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát và đồng thời với đó, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng sẽ giúp cho vòng quay tiền bắt đầu có sự cải thiện trong quý 4. Như vậy thị trường chứng khoán vẫn sẽ là nơi đầu tiên được hưởng lợi và đặc biệt khi mức định giá của thị trường sau nhịp điều chỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 đang trở lại vùng đầu tư hấp dẫn nếu nhìn dài hạn.
Xin cảm ơn hai ông bà về những thông tin vừa rồi!