CÀ PHÊ CUỐI TUẦN: “Tủi thân” cho giá nước

MarketTimes | 13:47 01/10/2022

Là mặt hàng được Nhà nước điều tiết nhưng nước sạch là mặt hàng có ít biến động nhất. Thực tế, nhiều năm qua rất ít địa phương điều chỉnh giá nước sạch, như Hà Nội, giá nước hiện nay đang là mức giá được điều chỉnh từ 10 năm trước.

CÀ PHÊ CUỐI TUẦN: “Tủi thân” cho giá nước
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây dư luận “dậy sóng” với đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước đó, đã xuất hiện thông tin về việc EVN liên tục thua lỗ và đây chính là nguyên nhân EVN đề xuất tăng giá bán lẻ.

Nhìn lại từ năm 2015 đến nay giá điện đã trải qua 3 lần điều chỉnh: năm 2015 tăng 7,5%; năm 2017 tăng 6,08%; 2019 tăng 8,36%.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Như vậy, với 3 lần điều chỉnh từ năm 2015 đến nay thì EVN hoàn toàn thực hiện đúng quy định.

Trong khi đó, cùng là mặt hàng “thiết yếu” trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nhưng giá nước gần như “đi ngang” mặc cho mặt bằng thị trường chung đều tăng giá.

Chiến lược quốc gia đã đặt ra các mục tiêu mới đến năm 2045 là 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Với việc giá nước bị “dậm chân” tại chỗ sẽ khó thực hiện mục tiêu này khi mà các nhà đầu tư tư nhân không “mặn mà” với nước sạch trong khi nguồn lực công thì hạn chế. Điều này dẫn đến khoa học công nghệ đầu tư của ngành nước đang lạc hậu so với thế giới.

Trong khi cả thị trường “nhộn nhịp” tăng giá thì giá nước đang bị “nhốt” với một cơ chế giá có nhiều bất cập.

Theo quy định hiện hành, giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước còn UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình và không được vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định.

Như vậy, đầu mối để “giải thoát” cho giá nước là Bộ Tài chính nhưng đến nay Bộ này vẫn chưa xây dựng được lộ trình tăng giá nước.

Để thực hiện mục tiêu mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận nước sạch cần tiến hành hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia. Nhưng để hấp dẫn tư nhân lại cần xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý để tư nhân không gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện chỉ có 51% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
CÀ PHÊ CUỐI TUẦN: “Tủi thân” cho giá nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO