Buồn của nền kinh tế suy thoái 2 năm liên tiếp: Loạt ngành trụ cột bị ‘quật ngã’ bởi Trung Quốc, hàng chục nghìn đợt sa thải, nhà máy ồ ạt đóng cửa, đối mặt thực tế ‘thay đổi hoặc lụi tàn’

Y Vân | 10:01 27/03/2025

Các đối thủ Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp then chốt của Đức.

Buồn của nền kinh tế suy thoái 2 năm liên tiếp: Loạt ngành trụ cột bị ‘quật ngã’ bởi Trung Quốc, hàng chục nghìn đợt sa thải, nhà máy ồ ạt đóng cửa, đối mặt thực tế ‘thay đổi hoặc lụi tàn’

Công nghiệp – ngành xương sống của kinh tế Đức – đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có. Từng là nước dẫn đầu về sản xuất cao cấp, Đức đã trải qua 5 năm suy giảm sản xuất công nghiệp, đe dọa tới 5,5 triệu việc làm và 20% GDP, theo báo cáo gần đây của Trung tâm Cải cách Châu Âu (CER) có trụ sở tại London.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã buộc Đức phải giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga, khiến giá năng lượng tăng vọt và gây tổn hại nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp như hóa chất và thép. Ngoài ra, gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch đã làm giảm nhu cầu xuất khẩu của Đức. Năm 2024, kinh tế Đức suy giảm 0,2%, đánh dấu năm suy thoái thứ hai liên tiếp. Năm 2023, GDP Đức giảm 0,3%.

Một yếu tố quan trọng khác là sự vươn mình nhanh chóng của Trung Quốc từ ngành sản xuất giá trị thấp sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và đổi mới.

Đức chịu thiệt hại khi Trung Quốc tăng bậc trong chuỗi giá trị

Đức phần lớn không bị ảnh hưởng bởi đà tăng trưởng đột biến của Trung Quốc vào đầu những năm 2000, tập trung vào các sản phẩm điện tử công nghệ thấp, đồ gia dụng và hàng dệt may. Nhưng trong những năm gần đây chính sách công nghiệp của Bắc Kinh tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của Đức, bao gồm ô tô, công nghệ sạch và kỹ thuật cơ khí.

Holger Görg, trưởng nhóm nghiên cứu Thương mại và Đầu tư Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW-Kiel), nói với DW (Đức) rằng: “Trung Quốc đã bắt kịp Đức trong một số ngành công nghiệp tiên tiến. Họ rất mạnh trong những lĩnh vực này. Điều đó đang góp phần vào hiệu suất tăng trưởng kém của Đức”.

Để thấy rõ Trung Quốc bắt kịp Đức ra sao, có thể nhìn vào ngành công nghiệp ô tô. Các hãng ô tô Đức bị chỉ trích vì thiếu đổi mới, chậm chuyển đổi sang xe điện (EV) và không lường trước được sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu Trung Quốc như SAIC Motor và BYD. Những vấn đề này đã dẫn đến hàng chục nghìn đợt sa thải và hàng loạt nhà máy trong nước đóng cửa.

ev.jpg

Ngành hóa chất và kỹ thuật cũng “chịu trận”

Các ngành công nghiệp khác cũng “thê thảm” trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đơn cử, các công ty hóa chất khổng lồ của Trung Quốc đã tăng mạnh sản lượng trong những năm gần đây, đặc biệt là polyethylene và polypropylene. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trên toàn cầu, khiến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất Đức như BASF sụt giảm.

Ngay cả tại Liên minh châu Âu (EU), thị trường quan trọng của Đức, trong 10 năm tính đến 2023, thị phần xuất khẩu hóa chất của Trung Quốc tăng thêm 60%. Trong khi đó, thị phần của Đức giảm đi hơn 14%, theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Handelsblatt.

Ngành cơ khí của Đức, vốn nổi tiếng về độ chính xác và chất lượng, cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc. Trong khi thị phần xuất khẩu máy móc công nghiệp của Đức giảm nhẹ xuống còn 15,2% từ năm 2013 – 2023, thì thị phần của Trung Quốc lại tăng từ 14,3% lên 22,1%.

Trợ cấp lớn

Thách thức này càng trầm trọng hơn khi Trung Quốc đưa ra chính sách trợ cấp mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp then chốt. Đây là động lực giúp các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ở quy mô và chi phí mà các công ty phương Tây khó có thể theo kịp.

Một ước tính cho thấy trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2019 lên tới khoảng 221 tỷ euro (242 tỷ USD). Một báo cáo năm 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy phần lớn trợ cấp của Bắc Kinh hướng tới các ngành công nghiệp hóa chất, máy móc, ô tô và kim loại.

Tuần trước, Claudia Barkowsky, Tổng giám đốc Liên đoàn Kỹ thuật Đức (VDMA) tại Trung Quốc, nói với tờ báo kinh doanh Đức Handelsblatt rằng các công ty cơ khí Đức sẽ ngày càng gặp khó khăn để cạnh tranh vì các đối thủ Trung Quốc đưa ra mức giá rẻ hơn nhiều.

Liệu Berlin có “thờ ơ” trước tham vọng của Trung Quốc?

Brad Setser, đồng tác giả của báo cáo CER, nói với DW rằng hoạt động xuất khẩu hàng cao cấp của Trung Quốc “không phát triển chỉ sau một đêm”.

“Làm sao ngành công nghiệp Đức có thể tồn tại sau cú sốc Trung Quốc lần thứ hai? Tại sao các chính quyền Đức không nhìn thấy điều này và hành động nhiều hơn để điều chỉnh chính sách?”, ông nói.

germany(1).jpg

Đức hiện đang đứng trước ngã ba lịch sử. Các nhà kinh tế cảnh báo Đức phải điều chỉnh chính sách thương mại, công nghiệp và tài chính cho phù hợp với thực tế kinh tế mới. Nếu không, “anh cả” châu Âu có nguy cơ mất vị thế là quốc gia dẫn đầu về sản xuất toàn cầu.

“Về mặt kinh tế, việc cố gắng giành lại thế thống trị trong các lĩnh vực này không phải là cách tốt nhất để kiếm tiền”, Görg cho biết. “Điều quan trọng là phải tập trung vào các lĩnh vực mà Đức vẫn có thế mạnh, gồm dược phẩm, công nghệ sinh học và kinh tế tri thức”.

“Những gì Đức cần là thị trường thay thế cho ô tô và máy móc cao cấp xuất khẩu. Và thị trường lớn nhất đối với Đức cho đến nay là thị trường châu Âu”, Setser, đồng tác gia của báo cáo CER nói.

Đức cần “thay đổi tư duy”

Serden Ozcan, trưởng bộ phận đổi mới và chuyển đổi doanh nghiệp tại WHU — Trường Quản lý Otto Beisheim có trụ sở tại Düsseldorf, tin rằng các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy mạnh mẽ.

Ozcan chỉ trích những gì ông coi là “nỗi sợ cạnh tranh gay gắt” của Đức và cho rằng Berlin đôi khi hỗ trợ quá mức cho các công ty không còn khả năng cạnh tranh.

“Ở Trung Quốc thì ngược lại”, Ozcan nói với DW. “Họ cho phép hàng chục công ty tham gia vào một ngành công nghiệp mới nổi dù nhiều công ty trong số đó thất bại. Những doanh nghiệp sống sót sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ”.

Theo DW


(0) Bình luận
Buồn của nền kinh tế suy thoái 2 năm liên tiếp: Loạt ngành trụ cột bị ‘quật ngã’ bởi Trung Quốc, hàng chục nghìn đợt sa thải, nhà máy ồ ạt đóng cửa, đối mặt thực tế ‘thay đổi hoặc lụi tàn’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO