Bước đột phá trong chính sách giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường xe điện

Thu Huệ | 14:32 07/10/2022

Sau bước đột phá trong chính sách hỗ trợ, từ con số 6% ít ỏi vào năm 2013, thị phần xe điện của Trung Quốc đã lên đến 44% vào năm 2022, trở thành thị trường xe điện lớn nhất trên toàn thế giới.

Bước đột phá trong chính sách giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường xe điện
Một trạm sạc điện ở Thiên Tân Trung Quốc do công ty quốc doanh China State Grid vận hành. Ảnh: Wired

Trung Quốc là một trong các quốc gia xây dựng chính sách hỗ trợ xe điện sớm nhất thế giới. Bắt đầu từ 2009, các biện pháp hỗ trợ tài chính đã được thực hiện, bao gồm hạn ngạch nhập khẩu, trợ cấp sản xuất, miễn thuế, chi tiêu chính phủ cho xe điện và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho trạm sạc. 

Tuy nhiên, mãi đến 2017, sau quyết tâm thắt chặt điều kiện trợ giá, thị trường xe điện của Trung Quốc mới thực sự bùng nổ. Sự thay đổi trong chính sách và các khoản đầu tư đã mang lại hiệu quả bất ngờ, doanh số xe điện của Trung Quốc đã tăng 62% vào năm 2016. 

Từ con số 6% ít ỏi vào năm 2013, thị phần xe điện của Trung Quốc đã lên đến 44% vào năm 2022, trở thành thị trường xe điện lớn nhất trên toàn cầu. Theo China Briefing, các biện pháp khuyến khích của chính quyền là động lực chính thúc đẩy thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Nguồn: Tổng hợp từ Global EV Outlook 2021

Chú thích: 

Xe PHEV: xe điện hybrid plug-in, loại xe chạy bằng cả điện và xăng dầu. 

Xe BEV: xe thuần điện

Chính sách thúc đẩy mở đầu bằng khoản tài trợ hào phóng (gần 47 tỷ USD) của Chính phủ Trung Quốc cho sản xuất và tiêu dùng xe điện vào năm 2009 và tiếp tục được gia hạn vào năm 2014. 

Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ xe điện của Trung Quốc lúc này không có gì nổi bật.

Chính sách bị lạm dụng

Với doanh số ngày càng tăng cao, việc trợ cấp cho xe điện ngày càng tốn kém đối với Chính phủ. Đồng thời, chính quyền cũng đã nhận ra mối lo ngại: nhiều nhà máy đã lừa dối các cơ quan chức năng để được hưởng trợ cấp.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc bằng nhiều cách đã “chạy” được giấy phép lưu hành xe, để chứng minh số xe được bán ra mà không cần biết thực tế số xe sản xuất ở mức nào. Với bằng chứng này, họ được hưởng trợ cấp với những chiếc xe điện thực tế chỉ ở trên giấy tờ.

Ngoài ra, điều kiện dung lượng pin càng cao sẽ được hưởng trợ cấp càng nhiều cũng bị lạm dụng. Nhiều nhà sản xuất xe điện đăng ký dung lượng pin cao cho xe mẫu (để nhận trợ cấp), nhưng đưa vào sản xuất pin dung lượng thấp.

Lợi dụng chính sách hỗ trợ người mua xe điện, các hãng xe thậm chí còn tìm cách bán xe cho chính mình để hưởng trợ cấp. Việc này làm tiền trợ cấp tăng lên trong khi không có thêm xe vào lưu thông. 

Kế hoạch tài trợ xe điện thay đổi

Ngoài việc truy tố các hành vi gian lận, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi các chính sách hỗ trợ xe điện từ 2017.

Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm dần các khoản trợ cấp xe điện: 20% trong giai đoạn 2017 – 2018, và 40% trong giai đoạn 2019 – 2020. Đồng thời, nước này yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn về chất lượng xe như: tăng phạm vi chạy tối thiểu của xe khách điện được hưởng trợ cấp - từ 250 lên 300km, phạm vi pin của xe PHEV tối thiểu là 80km. Đồng thời, chỉ những chiếc xe điện chở khách có giá dưới 42.376 USD mới được xét nhận trợ cấp.

Trước những gian lận ở giai đoạn trước, Trung Quốc cũng tăng cường các biện pháp quản lý và giám định: Trước khi phân phối bất kỳ khoản trợ cấp nào, Chính phủ sẽ xác minh bằng chứng bán hàng và tiến hành kiểm tra thường xuyên và kiểm tra ngẫu nhiên để đảm bảo rằng xe đủ điều kiện nhận ưu đãi. Tất cả các xe phải được trang bị hệ thống giám sát tích hợp để theo dõi trong thời gian thực.

Để bù đắp cho các khoản trợ đang bị hủy bỏ, chính quyền yêu cầu mỗi nhà sản xuất phải đáp ứng một lượng tín dụng nhất định mỗi năm và phải bán được một lượng xe điện nhất định (theo tỷ lệ). Các điều kiện để nhận tín dụng và hưởng trợ cấp khắt khe hơn theo thời gian nhằm nâng cao chất lượng kỹ thuật của xe điện.

Sự thay đổi này đã đem lại niềm tin tích cực hơn vào thị trường xe điện Trung Quốc. Từ cuối năm 2017, doanh số xe điện của nước này vẫn chiếm gần một nửa doanh số toàn cầu.

Các chính sách tài trợ xe điện hiện nay của Trung Quốc

Đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì những chính sách tài trợ xe điện, với những yêu cầu khắt khe hơn trước đối với các doanh nghiệp. 

Trung Quốc yêu cầu mỗi nhà sản xuất/nhập khẩu xe (cung cấp ít nhất 30.000 xe/năm) phải sản xuất/nhập khẩu tối thiểu một tỷ lệ xe điện nhất định. Con số này năm 2018 là 10%, tăng lên mức 12% năm 2019, 15% vào năm 2021 và nâng mục tiêu vào năm 2025 là 20%.

Khoản trợ cấp của Chính phủ cũng được phân tầng theo dung lượng pin. Xe ô tô thuần điện có phạm vi chạy trên 400km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 – 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá. Xe PHEV với ngưỡng pin đạt 80km được trợ giá 1.500 USD.

Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, Trung Quốc đã miễn thuế 5% cho các loại xe BEV, xe PHEV và xe chạy bằng pin nhiên liệu. Chính phủ cũng giảm 50% phí đăng ký xe điện. Các chính sách này đã giúp người dân Trung Quốc tiết kiệm 5,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng chi ngân sách cho xe điện, chiếm 50% tổng giá trị phương tiện mua mới của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2021. Bên cạnh đó, gần như tất cả các nhà máy sản xuất xe bắt buộc phải có năng lực sản xuất xe điện.

Trong kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu xây dựng hơn 700.000 trạm sạc (trong đó có 60.000 trạm sạc công cộng có thu phí). Hơn 120.000 trạm sạc điện tại Trung Quốc vào năm 2020 là do Chính phủ tài trợ và đặt ra các yêu cầu kỹ thuật.

Trung Quốc là một trong những nước đi đầu về phong trào ủng hộ pin nhiên liệu (loại pin mà điện được sinh ra từ các phản ứng hóa học, thay vì điện sạc thông thường). Các khoản trợ cấp lên tới 29.000 USD đã được tài trợ cho ô tô chạy bằng pin nhiên liệu và khoảng 72.500 USD cho xe tải và xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu. 

Theo một nghiên cứu được đăng trên China Briefing, chính sách hỗ trợ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển xe điện tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Mặt khác, gian lận để nhận trợ cấp phần lớn là do các sai sót trong việc thiết lập và thực thi chính sách, đặc biệt khi mức trợ giá quá cao và không được phân tầng theo mức độ phức tạp kỹ thuật của phương tiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bước đột phá trong chính sách giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường xe điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO