Bức tranh tín dụng của VDB đang xấu đi

Phạm Minh | 08:44 06/07/2022

Báo cáo thường niên năm 2021 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) mới đây cho thấy, cho vay tín dụng xuất khẩu hơn 3.000 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này biến thành nợ quá hạn. Cho vay tín dụng đầu tư gần 55.000 tỷ đồng thì có hơn 22.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 40,6%.

Bức tranh tín dụng của VDB đang xấu đi
Năm 2021 VDB lỗ xấp xỉ 606 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 chưa phân phối lên 7.906 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

22 dự án cho vay lại vốn nước ngoài chịu rủi ro

Trong năm 2021, VDB đã huy động được 11.247 tỷ đồng vốn có kỳ hạn, trong đó phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 10.500 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại thời điểm 31/12/2021, số dư vốn huy động của VDB là 97.275 tỷ đồng, trong đó số dư vốn huy động có kỳ hạn là 96.733 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động vẫn tập trung chủ yếu vào trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số dư vốn huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 91.808 tỷ đồng, chiếm 95% tổng số dư vốn huy động có kỳ hạn của VDB.

Về goạt động tín dụng đầu tư, số vốn giải ngân trong năm 2021 là 323 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp. Thu nợ gốc là 6.727 tỷ đồng. Thu nợ lãi là 2.437 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đầu tư đến 31/12/2021 là 54.780 tỷ đồng.

Các dự án cho vay vốn của Chính phủ Việt Nam ra nước ngoài với số vốn cam kết 43 triệu USD, dư nợ tương đương 299 tỷ đồng. Thu nợ gốc trong năm 2021 là 49,6 tỷ đồng. Thu nợ lãi 2,9 tỷ đồng.

Liên quan đến bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại, số chứng thư bảo lãnh còn hiệu lực đến 31/12/2021 là 43 chứng thư với giá trị vốn vay cam kết là 735,2 tỷ đồng, dư nợ gốc tại ngân hàng thương mại là 393,4 tỷ đồng, nợ lãi là 583 tỷ đồng. Trong năm 2021, VDB đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với 1 khoản bảo lãnh với số tiền là 45,3 tỷ đồng.

Thu nợ gốc nợ bắt buộc trong năm 2021 là 41,2 tỷ đồng. Thu nợ lãi nợ bắt buộc 1,51 tỷ đồng. Dư nợ bắt buộc đến 31/12/2021 là 708 tỷ đồng.

Về hỗ trợ sau đầu tư, số dự án còn thực hiện là 46 dự án với lũy kế số tiền thực cấp đến 31/12/2021 là 528,1 tỷ đồng. Trong năm 2021 không phát sinh cấp hỗ trợ sau đầu tư.

Đối với cho vay lại vốn nước ngoài không chịu rủi ro. Đến 31/12/2021, VDB đang quản lý 339 dự án/khoản vay cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo Hợp đồng ủy quyền của Bộ Tài chính với tổng số vốn cam kết là 17.033,1 triệu USD, dư nợ tương đương 135.300 tỷ đồng.

Trong đó, số giải ngân trong năm 2021 là 4.866 tỷ đồng, thu nợ gốc đạt 12.595 tỷ đồng, thu nợ lãi và dự phòng rủi ro là 2.673 tỷ đồng, thu phí cho vay lại Bộ Tài chính là 120,5 tỷ đồng, thu phí cho vay lại VDB (bao gồm trích 1,5%/thu hồi nợ) là 276,1 tỷ đồng.

Về cho vay lại vốn nước ngoài chịu rủi ro. Đến 31/12/2021, VDB đang quản lý 22 dự án cho vay lại vốn nước ngoài chịu rủi ro tín dụng thuộc 6 Chương trình với tổng số vốn cam kết 68,3 triệu USD, dư nợ tương đương 805 tỷ đồng. Giải ngân trong năm 2021 là 105 tỷ đồng. Thu nợ gốc và nợ lãi năm 2021 lần lượt là 117,8 tỷ đồng và 41,2 tỷ đồng.

Cho vay tín dụng xuất khẩu biến thành nợ xấu

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn của VDB đạt 248.635 tỷ đồng, giảm so với mức 277.574 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2020. Tiền mặt còn hơn 2.660 tỷ đồng, tiền gửi là gần 10.000 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2020.

Về nguồn vốn, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng sụt giảm mạnh từ 1.047 tỷ (năm 2020) chỉ còn 190 tỷ đồng (2021); Tiền gửi của tổ chức kinh tế, khách hàng cũng giảm 17%, xuống còn 796 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của VDB đạt gần 6.871 tỷ đồng, giảm từ mức hơn 7.901 tỷ đồng năm 2020 chủ yếu là do sự giảm sụt của thu ngoài lãi và cho vay. Trong khi đó, tổng chi phí cũng giảm từ mức 9.012 tỷ đồng xuống còn 7.477 tỷ đồng.

Mặc dù có sụt giảm song tổng chi phí vẫn cao hơn tổng thu nhập. Kết quả, năm 2021 VDB lỗ xấp xỉ 606 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế cuối năm 2021 chưa phân phối lên 7.906 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lỗ lũy kế là 7.301 tỷ đồng).

5.7_bang-ke-toan-vdb.jpg
Cho vay tín dụng xuất khẩu năm 2021 đã trở thành nợ xấu.

Đáng chú ý, cho vay tín dụng xuất khẩu năm 2021 hơn 3.251 tỷ đồng đều biến thành nợ xấu (năm 2020 có hơn 3.320 tỷ đồng trở thành nợ xấu).

Về cho vay trung, dài hạn Tín dụng đầu tư, năm 2021 có gần 55.000 tỷ đồng thì có hơn 22.000 tỷ trở thành nợ xấu (tức là hơn 40%). Cho vay lại vốn ODA hơn 128.727 tỷ đồng, trong đó có hơn 3.355 tỷ đồng trở thành nợ xấu.


(0) Bình luận
Bức tranh tín dụng của VDB đang xấu đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO