Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký quyết định 110 ban hành kế hoạch thực hiện Công điện 130 năm 2024 của Thủ tướng về tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.
Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Thanh tra Bộ Xây dựng, Vụ Pháp chế, đơn vị liên quan phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện 9 nhiệm vụ chấn chỉnh thị trường bất động sản trong năm 2025.
Theo đó, bộ yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phát triển nhà ở xã hội hoặc các vụ việc có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân.
Giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thanh tra bộ phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng bất thường để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất đề án thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý; Phối hợp với các đơn vị Bộ Công an cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, xây dựng.
Giá nhà tăng bất thường xóa tan giấc mơ an cư của người dân
Liên quan đến vấn đề giá nhà tăng nóng thời gian qua, tại chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) từ năm 2015 đến hết năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu rõ thời gian qua giá nhà ở tăng quá cao, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
“Giá nhà đất ở một số khu vực đang tăng phi thực tế, lãnh đạo Bộ Xây dựng trong cuộc họp báo mới đây cũng nhận định đây là sự vô lý và bất thường”, bà Thuỷ nói và chia sẻ giá nhà ở tăng đột biến, nhất là giá chung cư tăng gấp đôi, gấp ba lần khiến dự định mua nhà của người dân phải gác lại sau một thời gian dài vất vả tìm mua chỗ ở.
Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cũng nhìn nhận giá nhà ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các TP lớn đang tăng rất cao, vượt xa tầm tay và nhu cầu ở thực của người dân.
"Tình trạng này có phần do chiêu trò thổi giá của giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xử lý khi đó là các giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật" - ông An nói và cho rằng để giải quyết có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội.
Ông cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản đối với bất động sản thứ 2 trở lên cùng các giải pháp nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong năm 2024 câu chuyện về tăng giá nhà ở một cách khó kiểm soát vẫn tiếp tục xảy ra. Khi thị trường căn hộ ở Hà Nội liên tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng về giá bán qua các kỳ, theo sau là TP Đà Nẵng. So với kỳ gốc, giá bán bình quân của các dự án trong tập mẫu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM ghi nhận mức tăng lần lượt là 72,4% , 49,9% và 34,3%.
Đáng quan ngại nhất là nhiều kỷ lục về đấu giá đất đã được xác lập, đỉnh điểm là việc đặt giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2 đất khu vực nông thôn tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; nhưng hầu hết những người bỏ giá cao đều bỏ cọc sau đó.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, lực cầu trên thị trường bất động sản hiện này là rất lớn nhưng do giá nhà đang ở ngưỡng cao nên người dân đã chọn cách trì hoãn việc mua nhà, để chờ đợi những động thái hỗ trợ khác từ Nhà nước để thị trường có những sản phẩm giá phải chăng.
“Tôi cho rằng, Nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, đất đai; hệ thống ngân hàng cần cơ cấu lại một cách nhanh hơn, tốt hơn vấn đề về vốn và DN cũng phải đẩy mạnh tái cấu trúc và mở rộng thêm các kênh huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh hướng tới việc giảm giá chứ không phải tập trung tăng giá như gần đây”, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.