Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, mặc dù gặp nhiều thách thức do tác động từ tình hình địa chính trị thế giới, nhưng với sự chỉ đạo điều hành linh hoạt và những chính sách kịp thời hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, Bộ Tài chính, TTCK Việt Nam năm 2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Tính đến ngày 12/12/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.267,35 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tăng 19,6% so với cuối năm trước; tương đương 69,4% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản đã đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tương đương 9% dân số, vượt mục tiêu mà Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những thành tích mà UBCKNN đạt được trong năm 2024.
“Với nhiều kết quả đáng ghi nhận như thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, trung bình đạt hơn 21 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân năm 2023. Tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước, tương đương 69% GDP. Tổng mức huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 14,5% giá trị vốn đầu tư toàn xã hội.
Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm đã được tăng cường mạnh mẽ, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với TTCK Việt Nam…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát triển TTCK hiện đại, minh bạch, hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chủ yếu trong hệ thống tài chính quốc gia và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu UBCKNN tập trung, tiếp tục nỗ lực vào tám nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đầy đủ các chức năng nhiệm vụ theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu để quản lý, phát triển TTCK ổn định, an toàn, chất lượng, bền vững.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức vận hành thị trường hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho TTCK; sớm triển khai các dự án công nghệ thông tin khác nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý, giám sát TTCK.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng TTCK phát triển theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Thứ năm, sắp xếp lại thị trường, phân bảng công ty niêm yết phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ sáu, tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025; tổ chức thành công Hội nghị Tiểu ban Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRC) - IOSCO; tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán, TTCK và phòng tránh các rủi ro, hiện tượng lừa đảo trên thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn, góp phần ổn định và phát triển thị trường bền vững.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức UBCKNN, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” Bộ trưởng khẳng định.