Sáng 15/3, hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển” được diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị. Ngoài ra có sự góp mặt của có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chuyên gia, cơ quan truyền thông.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 1 năm mở lại thị trường du lịch quốc tế và đẩy nhanh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, ngành du lịch của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại thông qua các cơ chế, chính sách của chính phủ.
Ngành du lịch chủ trương đề cao vai trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh từng bước tiếp cận với thị trường khách quốc tế. Điều này được thể hiện qua chỉ số năng lực phát triển du lịch, Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số năng lực phát triển du lịch cao nhất thế giới.
Ngoài tháo gỡ về cơ chế, các doanh nghiệp du lịch cũng được tạo điều kiện trong vấn đề tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch còn đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trong việc xúc tiến, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thúc đẩy du lịch phục hồi. Cùng với đó, lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn cầu, hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam cũng từng bước được hình thành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel; thẻ Việt-Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
Nhờ các giải pháp trên, toàn ngành du lịch khép lại năm 2022 với lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
Về các hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu ra 5 điểm cần khắc phục cho ngành du lịch khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác vẫn còn khiêm tốn.
Thứ ba, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, các đơn vị cần xác định vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Về nguồn nhân lực du lịch cũng là vấn đề cần được quan tâm, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.