Tây Ban Nha nhập khẩu gấp đôi lượng khí đốt từ Nga
Đài RT (Nga) cho biết, khối lượng khí đốt được Tây Ban Nha nhập khẩu từ Nga trong tháng 8 vừa qua tăng 102,2% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu được công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas công bố hôm 12/9.
Báo cáo của Enagas cho hay Madrid đã mua 4.505 GWh khí đốt từ Moskva trong tháng 8, so với 2.228 GWh vào tháng 8/2021. Trong khi đó, lượng khí đốt nhập khẩu từ Algeria - vốn là nhà cung cấp khí đốt chính của nước này - lại giảm 34,8%.
Dữ liệu của Enagas còn cho thấy nguồn khí đốt nhập khẩu từ Mỹ chiếm 26,5% nguồn cung. Nga đứng thứ 5 trong số các nhà cung cấp chính của nước này (11,8%), sau Mỹ, Algeria, Nigeria và Pháp.
Tổng cộng trong 8 tháng đầu năm 2022, Tây Ban Nha đã mua 32.770 GWh khí đốt từ Nga, nhiều hơn 22,88% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các quốc gia EU trong thời gian gần đây đã tăng cường mua khí đốt để tích trữ cho mùa đông.
Nhà máy mới của Gazprom sắp vận chuyển lô LNG đầu tiên đến Hy Lạp
Theo Markets Insider, 6 tháng sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, có vẻ như các giao dịch mới vẫn đang tiếp tục được tiến hành.
Lô hàng đầu tiên từ nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Portovaya của Nga, nằm gần đường ống Nord Stream 1 đang bị đình chỉ vô thời hạn, sắp cập bến Hy Lạp trong những ngày tới.
Hy Lạp là một quốc gia thành viên EU. Danh tính của người mua và quy mô của lô hàng chưa được tiết lộ, nhưng Hy Lạp chỉ có một cơ sở LNG cung cấp cho thị trường nội địa - giống như Bulgaria và Bắc Macedonia.
Tháng 3 năm nay, EU đã triển khai các kế hoạch nhằm mục đích cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của khối vào khí đốt của Nga vào cuối năm 2022 và tiến tới chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga trước năm 2030.
Châu Âu nhập khẩu 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga, nhưng nguồn cung đã ngày càng bị siết chặt sau hàng loạt căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. EU đang lo lắng về cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông do Nga giảm nguồn cung, và các quốc gia thành viên đang gấp rút tích trữ nhiên liệu và tìm nguồn cung thay thế.
Bộ trưởng Italy tiết lộ về kế hoạch giới hạn giá khí đốt của EU
Theo RT, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani hôm 11/9 đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo la Repubblica rằng Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đệ trình một đề xuất nhằm áp đặt giá trần chung đối với tất cả các mặt hàng khí đốt nhập khẩu trong tháng 9 này.
Bộ trưởng Cingolani cho biết, kế hoạch giới hạn giá khí đốt đến nay đã nhận được sự ủng hộ của 15 quốc gia thành viên, bao gồm cả Đức.
"Đề xuất sẽ được công bố trong tháng 9. Chúng tôi hiện đang nỗ lực để có được đa số ủng hộ", ông Cingolani nói.
Giá khí đốt của EU đã tăng nhanh chóng trong vài tháng qua do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì xung đột với Ukraine, cũng như việc Moskva cắt giảm nguồn cung.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã công bố kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ ngày 1/8/2022 đến cuối tháng 3/2023 trên cơ sở tự nguyện. Các quốc gia thành viên có quyền quyết định các biện pháp cụ thể để cắt giảm tiêu thụ. Một số quốc gia được miễn trừ.
Các nhà hoạch định chính sách của EU cũng đang lên kế hoạch để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trước khi mùa đông tới.
Politico cho hay, các biện pháp do Ủy ban châu Âu đề xuất bao gồm giới hạn giá nhập khẩu khí đốt của Nga, giảm tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ các công ty tiện ích và áp thuế đối với các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch có lợi nhuận lớn.
Theo Financial Times, có ít nhất 10 quốc gia (bao gồm Italy, Ba Lan và Hy Lạp) ủng hộ việc áp giá trần đối với mọi nguồn khí đốt nhập khẩu, chứ không chỉ riêng khí đốt Nga. Trong khi đó, Hungary, Áo và Hà Lan không ủng hộ việc áp đặt giá trần.
Brussels lo ngại rằng Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt trong trường hợp giá trần được áp dụng. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moskva sẽ ngừng vận chuyển dầu và khí đốt đến các quốc gia đưa ra quyết định chính trị vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng.
Thủ tướng Na Uy: Giá trần khí đốt không thể giải quyết tình trạng thiếu hụt của châu Âu
Reuters dẫn lời Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr ngày 12/9 cho hay, Na Uy và EU đã đồng ý đối thoại chặt chẽ hơn về các đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, tuy nhiên Na Uy vẫn có những hoài nghi.
"Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán với tinh thần cởi mở, nhưng chúng tôi vẫn hoài nghi về việc áp dụng giá trần đối với khí đốt tự nhiên. Giá trần sẽ không thể giải quyết được vấn đề cơ bản, đó là châu Âu đang rất thiếu khí đốt", ông Gahr trả lời báo giới.
Na Uy, quốc gia không phải là thành viên EU, đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khối này sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt vì xung đột. Quốc gia Bắc Âu này đã có được thu nhập kỷ lục từ ngành dầu khí khi giá tăng cao.