'Bộ trưởng' Elon Musk sẽ điều hành nền kinh tế Mỹ như 'Trò chơi vương quyền', cam kết giảm 2 nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách

Băng Băng | 11:40 09/11/2024

"Việc chính phủ chi tiêu điên cuồng đang đẩy đất nước vào tình trạng phá sản", Elon Musk cho biết.

'Bộ trưởng' Elon Musk sẽ điều hành nền kinh tế Mỹ như 'Trò chơi vương quyền', cam kết giảm 2 nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách

"Việc cắt giảm chi phí cũng giống như ‘Trò chơi vương quyền’ (Games of Thrones) vậy. Nếu bạn có 10.000 linh kiện cho mỗi chiếc xe với giá 4 USD cho mỗi linh kiện, vậy chi phí của chiếc xe đó là 40.000 USD. Nếu bạn muốn giảm xuống 35.000 USD thì bạn phải hạ 0,05 USD chi phí bình quân của mỗi linh kiện", tỷ phú Elon Musk từng nói.

Không phải ngẫu nhiên mà Elon Musk nói về nghệ thuật cắt giảm chi phí khi ông chủ Tesla từng cho biết mình có thể cắt giảm 2 nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách của chính phủ Mỹ, tương đương 1/3 chi tiêu ngân sách của chính phủ Mỹ trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 9/2024.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách năm tài khóa vừa qua của Mỹ lên đến 1,8 nghìn tỷ USD và đây là một trong những trọng điểm chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

Bởi vậy tờ Wassl Street Journal (WSJ) cho hay phong cách quản lý của Elon Musk có thể sẽ ảnh hưởng đến đường lối của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.

Mặc dù vẫn chưa có thông tin chính xác liệu ông chủ Tesla sẽ ảnh hưởng hay đóng vai trò thế nào trong chính phủ mới của ông Donald Trump nhưng các chuyên gia cho rằng quan điểm tinh gọn biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động sẽ được áp dụng kịch liệt.

Nguyên nhân rất đơn giản, Elon Musk nổi tiếng với việc áp dụng các chính sách cắt giảm chi phí gây sốc, nhờ đó biến những công ty như Tesla hay SpaceX thành các doanh nghiệp thành công dù cơ hội chưa đến 10%.

Khi Elon Musk mua lại Twitter vào năm 2022, vị tỷ phú này đã nhanh chóng loại bỏ 80% lao động bất chấp những chỉ trích gay gắt trên truyền thông.

Thậm chí chính Elon Musk còn khuyến nghị các hãng khác tinh gọn bộ máy để tăng năng suất.

"Tại bất kỳ công ty nào thì đều có những người thúc đẩy sự tiến triển nhưng cũng có những thành phần kìm hãm tổ chức", Elon Musk từng phát biểu.

Tuy nhiên để làm được điều này không hề đơn giản.

Giảm biên chế

Theo WSJ, hơn một nửa ngân sách liên bang hiện nay bao gồm An sinh xã hội, chi tiêu quân sự và nợ công, những mảng sẽ gây nhiều tranh cãi nếu muốn cắt giảm.

Tuy nhiên tính khả thi vẫn có khi ông Donald Trump đắc cử còn Đảng cộng hòa chiếm đa số cả ở Thượng viện và Hạ viện.

Về phía Elon Musk, vị tỷ phú này từng cho biết nhiều cơ quan được thành lập với một nhiệm vụ đơn giản nhưng theo thời gian, họ lại được tăng thẩm quyền và biên chế để làm những việc mà Nghị viện chưa bao giờ cho phép.

"Chúng ta có thể cắt giảm biên chế của những cơ quan này để tinh gọn bởi bạn phải tuân thủ những gì mà Nghị viện trao quyền", Elon Musk nói.

Quan điểm này của Elon Musk chẳng có gì khó hiểu khi vị tỷ phú từng cắt giảm các cửa hàng truyền thống của Tesla để chuyển sang bán hàng trực tiếp online, đồng thời tinh gọn bộ máy của hãng hết mức có thể.

Elon Musk bê bồn rửa mặt vào trụ sở Twitter khi mới mua lại mạng xã hội này

Năm 2018, Tesla đã gần như phá sản vì phải vật lộn để tăng sản lượng xe điện Model 3 cho kịp đơn hàng nhưng vẫn phải cắt giảm chi tiêu để hạ chi phí.

Trong suốt nhiều năm qua, Elon Musk đã quá thuần thục việc cắt giảm biên chế với những bài toán khác nhau. Ví dụ khi nhà máy đang tăng cường sản xuất thì Tesla giữ lại nhiều công nhân hơn các nhân sự khác và ngược lại.

Tương tự, Elon Musk cho biết bộ máy chính phủ Mỹ cần có sự ưu tiên tùy từng thời điểm.

"Rõ ràng là chúng ta đang đặt nhầm ưu tiên ở đây khi thuê một lượng lớn nhân sự để kiểm toán và truy thu thuế của người dân trong khi lại không thuê đủ nhân sự để bảo vệ biên giới của chúng ta. Điều này thật phi lý", Musk cho biết.

Bên cạnh đó, tỷ phú Tesla cho biết chính sách thắt lưng buộc bụng của ông có thể gây sốc cho nền kinh tế trong tương lai gần.

"Chính sách này sẽ gây ra một số khó khăn tạm thời, nhưng nó sẽ đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài", ông chủ Tesla cho biết.

Thay đổi hoặc phá sản

Đề cập đến vấn đề thay đổi, Elon Musk cho hay ông thường nói với nhân viên rằng nếu không dùng những biện pháp tinh gọn bộ máy kịch liệt thế này thì doanh nghiệp sẽ phá sản, và điều này cũng đúng với chính phủ Mỹ.

"Việc chính phủ chi tiêu điên cuồng đang đẩy đất nước vào tình trạng phá sản", Elon Musk nói với đám đông ở vùng ngoại ô Philadelphia vào tháng trước khi vận động tranh cử cho ông Donald Trump.

Trong khi hầu hết các CEO thường tránh nói đến chuyện phá sản thì Elon Musk lại coi đó là một công cụ thúc đẩy rõ ràng, tạo ra cảm giác cấp bách và nâng cao mức độ rủi ro trong mắt nhân viên.

Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã liên tục nói đến khả năng phá sản nếu không có sự thay đổi. Tương tự khi SpaceX còn non trẻ, ông đã liên tục cảnh báo nhân viên trong một email rằng thất bại có thể đồng nghĩa với phá sản.

Tại Tesla, Elon Musk cũng có thái độ cứng rắn tạo áp lực cho nhân viên.

"Hãy chuẩn bị tinh thần cho mức độ căng thẳng lớn hơn bất kỳ điều gì mà hầu hết các bạn từng trải qua trước đây. Cách mạng hóa ngành công nghiệp xe hơi không dành cho những người yếu tim, nhưng cũng không kém phần bổ ích và thú vị", Elon Musk cho biết vào năm 2012 trước toàn thể nhân viên Tesla.

Giờ đây, phong cách quản lý gay gắt này của Elon Musk sẽ đóng góp gì cho đường lối kinh tế Mỹ vẫn còn là một câu hỏi. Tuy nhiên chắc chắn rằng, vị tỷ phú giàu nhất thế giới sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chính quyền của ông Donald Trump.

*Nguồn: WSJ


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
'Bộ trưởng' Elon Musk sẽ điều hành nền kinh tế Mỹ như 'Trò chơi vương quyền', cam kết giảm 2 nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO