Sáng 22/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".
Tại đây, nữ nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam bày tỏ trăn trở về những sản phẩm văn hoá của Việt Nam. Theo bà, trong những năm gần đây, với sự bùng nổ thông tin trong thời đại số, có một tín hiệu đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã lấy yếu tố dân gian, dân tộc để làm chất liệu chính trên các sản phẩm công nghiệp văn hoá, mang lại những giá trị tích cực cũng như góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn chưa có đủ sức mạnh để khẳng định trên thị trường quốc tế, trong khi cùng lúc chịu sự thách thức bởi sự xâm nhập của nhiều sản phẩm xuyên quốc gia.
Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà mong Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo có sự quan tâm kịp thời cũng như có những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện Chiến lược này, Chính phủ xác định có 12 nhóm ngành thuộc về công nghiệp văn hoá và chúng ta phải nỗ lực để xây dựng nó.
Với cách tiếp cận, tổ chức thực hiện việc phát triển công nghiệp văn hoá, dựa trên các trụ cột là tài nguyên văn hoá của Việt Nam, bước đầu chúng ta đã thu được kết quả. Như trước đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 3,61% GDP cả nước. Kết quả đó thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các doanh nghiệp, những người làm văn hoá đã nỗ lực đưa nền công nghiệp văn hoá Việt Nam có điều kiện hội nhập và phát triển.
Tuy vậy, công nghiệp văn hoá của Việt Nam đang đi sau, đang phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành được xác định là lĩnh vực cơ bản nhưng trong thời gian dài vẫn chưa được phát huy một cách mạnh mẽ. Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này, gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội hàm về công nghiệp văn hoá cũng được Trung ương quan tâm, xem xét để đưa vào trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho Chính phủ trong tổng kết Quyết định 175 về chiến lược văn hoá và sẽ ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hoá.
"Nếu chúng ta không "đi tắt, đón đầu", không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển. Các quốc gia phát triển theo hướng bền vững cũng dựa trên điều này. Hàn Quốc, một đất nước có điều kiện tương đồng về văn hoá, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong công nghiệp văn hoá, như chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy Hyundai", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Ngành công nghiệp văn hoá đang được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phải tăng cường hơn cho lĩnh vực du lịch văn hoá bởi sản phẩm du lịch bắt đầu từ sản phẩm của văn hoá. Trong thực tiễn, du lịch đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh cũng cần được quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng chỉ ra 4 giải pháp, hay nói cách khác là 4 trụ cột.
Thứ nhất, Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, trong đó tập trung để hướng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, những người thực hành văn hoá ở lĩnh vực này phải bám sát trụ cột tài nguyên văn hoá, bởi tài nguyên văn hoá của chúng ta hết sức phong phú, đa dạng.
Thứ hai, phải dựa trên khoa học công nghệ. Muốn công nghiệp văn hoá phát triển, yếu tố cơ bản vẫn phải là khoa học công nghệ.
Thứ ba là truyền thông.
Cuối cùng là vấn đề bảo hộ. Cần ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng công nghệ xuyên quốc gia để đánh cắp bản quyền, gây thiệt hại cho nền công nghiệp văn hoá vốn đang non trẻ của đất nước.