Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp chia sẻ trải nghiệm của bản thân, khi đi ra nước ngoài đều mang theo mì gói, cà phê vì không hợp vị cà phê châu Âu. Ông chỉ ra thực tế, người Việt Nam thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt trong khi mấy trăm năm nay họ vẫn uống như vậy; cũng như nhiều người Việt Nam chê cà phê nguyên chất nhạt.
"Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta. Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại lại mạnh về cà phê Robusta. Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Abarica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn 2 dòng này lại?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng, hiện nay thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là một loại thức uống. Rất nhiều nền kinh tế đã phát triển từ cây cà phê, từ mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhộm vải, sợi, giày… cũng có thể làm từ cà phê.
"Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta còn đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Không gian này chúng ta bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới là manh nha khai thác".
Nói về việc xây dựng thương hiệu cà phê, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là một nét văn hóa. Doanh nghiệp nếu muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng vùng nguyên liệu cho Tây Nguyên. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ thẳng thắn nhận định, thành công hay không còn do chính quyền địa phương hợp sức cùng doanh nghiệp, tác động để bà con nông dân cùng làm. Cái khó là bao nhiêu đời nông dân làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, nếu nông dân không thay đổi thì rất khó.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mượn câu chuyện của cá tra Việt Nam hay gạo Thái Lan làm dẫn chứng: "Nhiều doanh nghiệp cà phê lớn không tham gia Hiệp hội cà phê và Ca cao Việt Nam. Con cá tra của ĐBSCL lâu nay thống lĩnh thị trường thế giới, không ai cạnh tranh lại mà cũng có lúc trồi sụt, không bền vững thì cà phê chịu nhiều cạnh tranh. Theo tôi, muốn cạnh tranh thì phải xây dựng thương hiệu.
Người Thái Lan quảng cáo gạo Thái là "think rice, think Thái Lan" (nghĩ về gạo là nhớ tới Thái Lan - tạm dịch) vậy thông điệp của cà phê Việt Nam có thể là "drink coffee, feel Việt Nam" (uống cà phê, phiêu Việt Nam) không?"
Ông nhấn mạnh, muốn tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường nhu cầu thị trường.
Cũng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê LEKOFE cho biết khi tiếp xúc với người tiêu dùng nước ngoài, ông phát hiện ra họ chỉ dùng cà phê có thương hiệu, được sản xuất bởi những nhà sản xuất bản địa.
Cà phê Việt Nam dù ngon hơn, chất lượng hơn, rẻ hơn nhưng họ cũng không để mắt tới. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải bán thô cho những nhà máy có thương hiệu của địa phương để họ sản xuất ra bán. Bên cạnh đó, nông dân nếu không xuất thô thì không bán được, dẫn đến lỗ vốn.
Trở về thị trường trong nước, ở TP.HCM, giá trung bình của một ly cà phê từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng nhưng tại các khu vực vùng ven, chỉ 7.000-10.000 đồng đã mua được một ly cà phê. Doanh nghiệp mang cà phê nguyên chất, cà phê sạch sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ra ngoại thành bán vừa bị chê "dở như nước lã", vừa lỗ nặng. Doanh nghiệp cũng không thể cạnh tranh được với những cơ sở sản xuất cà phê trộn, cà phê bẩn, bán ra thị trường chỉ 70.000 đồng/kg cà phê. Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng thị trường trong nước vô cùng lớn, cần tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu.