Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Tại quyết định, Bộ lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành luật thuế liên quan đến tài sản. Sau khi Quốc hội ban hành luật này, năm 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thuế liên quan đến tài sản.
Về định hướng xây dựng luật thuế liên quan đến tài sản, Bộ Tài chính cho rằng sẽ rà soát thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Quan điểm của Bộ là tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.
Liên quan đến thuế tài sản, hồi tháng 4/2018, Bộ Tài chính đã từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có đề xuất đánh thuế với nhà, đất ở.
Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án về ngưỡng đánh thuế đối với nhà là trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng. Mức thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%.
Tuy nhiên, nội dung này đưa ra bị dư luận không đồng tình vì ngưỡng tính thuế đối với nhà là quá thấp.
Đến tháng 3/2022, Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, cơ quan này đưa ra 3 đối tượng chịu thuế chính là đối với đất, nhà - công trình xây dựng trên đất và tài sản ôtô, tàu bay, du thuyền. Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải sự phản đối nên chưa đưa vào chương trình xây dựng luật.
Trước đó, đầu năm 2021, trong công văn của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi tới Thủ tướng Chính phủ về “các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà”, HoREA đã đưa ra đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng, xem xét ban hành “thuế bất động sản” đánh trên giá trị nhà và đất... để triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, chống đầu cơ đất đai...
Đặc biệt, HoREA đề xuất ban hành “thuế bất động sản”. Bởi hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp “thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”, trong đó có “đất ở” với thuế suất đối với “đất ở” trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.
HoREA nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành “thuế bất động sản” đánh trên giá trị nhà và đất, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước.
HoREA chỉ đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ thuế suất, để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở nước ta.
Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”, HoREA cho rằng cần phải thay thế phương thức thu “tiền sử dụng đất”, vốn đang là gánh nặng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở (đối với dự án nhà chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành căn hộ) và cũng là gánh nặng cho người thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở (xin cấp “sổ đỏ”).
Thay thế thu “tiền sử dụng đất” bằng “thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất rõ ràng vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho” hiện nay, HoREA đề xuất.