Nội dung chính:
- - Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
- - Thặng dư thương mại và thặng dư cán cân vãng lai giữa Việt Nam với Mỹ vượt quá tiêu chí đề ra, do đó Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi.
- - Một số quốc gia khác cũng bị đưa vào danh sách theo dõi bao gồm: Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ vừa công bố hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ nhận định “không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ đang thao túng tiền tệ”.
Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ bảy của quốc gia này. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, đồng thời là đối tác xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD năm 2022.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt đạt 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP.
Thặng dư thương mại và cán cân vãng lai là hai trong ba tiêu chí được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra để đưa một quốc gia vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Tiêu chí thứ ba là các biện pháp can thiệp ngoại tệ một chiều, kéo dài. Tiêu chí này Việt Nam không vi phạm.
Mỹ đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ do vi phạm hai tiêu chí nói trên. Cùng với Việt Nam, một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng bị đưa vào danh sách, bao gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
Thụy Sĩ và Hàn Quốc được Mỹ bỏ khỏi danh sách này.
Danh sách giám sát thao túng tiền tệ được tính toán dựa trên dữ liệu bốn quý, từ 1/7/2022 đến 30/6/2023.
Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ, qua đó, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm.