Kinh tế là khối ngành luôn được nhiều sĩ tử lựa chọn khi xét tuyển ĐH. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cả nước có 521.263 thí sinh nhập học vào các trường đại học. Trong đó, ngành thu hút sinh viên nhất - khối ngành Kinh doanh và Quản lý có 24,54% thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học.
Tại Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, HV Tài chính, HV Ngân hàng thường được nhiều người dành lời khen có cánh khi ví von là 4 "ông lớn kinh tế". Thực tế, đây đều là những cơ sở đào tạo đi đầu về chất lượng trong việc giảng dạy các ngành học thuộc khối kinh tế.
3 năm trở lại đây, điểm chuẩn của 4 ngôi trường này có những biến động cùng với đó là sự xuất hiện các ngành học mới.
1. Điểm chuẩn trường ĐH Ngoại thương (FTU)
Nhìn chung, điểm chuẩn của trường ĐH Ngoại thương không có nhiều biến động trong 3 năm trở lại đây. Năm 2020, điểm chuẩn vào các ngành/chuyên ngành đào tạo của FTU dao động 27-28 điểm. Trong đó, Kinh tế và Kinh tế quốc tế là ngành có điểm chuẩn cao nhất xét trên thang điểm 30. Đây cũng là ngành luôn dành vị trí ngôi vương trong 2 năm kế tiếp với lần lượt là 28,5 điểm (năm 2021) và 28,4 (năm 2022).
Sang đến năm 2021, điểm chuẩn các ngành học của trường đều tăng so với năm 2020. Trong đó, Luật là là ngành học có mức độ biến động điểm mạnh nhất, khi điểm chuẩn tăng 1,5 điểm so với năm trước đó.
Mới đây nhất, năm 2022, điểm chuẩn của trường dao động 27,5-28,4 điểm. Luật là ngành có biến động điểm mạnh cũng giảm đến 0,55 điểm ở lần tuyển sinh này. Đây cũng là ngành học có điểm chuẩn thấp nhất.
Năm 2022, bên cạnh các chương trình đào đạo đã tuyển sinh trước đó, FTU bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm Marketing. Trong năm đầu xét tuyển, điểm chuẩn của ngành này cao thứ 2 chỉ sau Kinh tế và Kinh tế quốc tế.
Có thế thấy biên độ chênh lệch điểm chuẩn giữa ngành cao nhất và thấp nhất của ĐH Ngoại thương trong 3 năm trở lại đây dao động 0,45-1 điểm. Nhìn vào biểu đồ trên cũng có thể thấy điểm chuẩn năm 2021 của trường ĐH Ngoại thương tăng vọt. Thậm chí ngành có có mức điểm thấp nhất của trường cũng cao hơn với ngành có điểm chuẩn cao nhất của năm 2020.
Tại ĐH Ngoại thương, các nhóm ngành ngôn ngữ được tính theo thang điểm 40 cũng có sức hút với nhiều sĩ tử. Ngành ngôn ngữ Trung luôn có điểm chuẩn cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Năm 202, ngành học này có mức điểm cao kỷ lục, lên đến 39,35 điểm.
2. Điểm chuẩn trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU)
Trong 3 năm gần đây, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng liên tục là ngành có điểm chuẩn thi THPTQG cao nhất nhì ĐH Kinh tế quốc dân. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, ngành này lấy 28 và 28,3 điểm cao nhất NEU. Năm 2022, “ngôi vương” thuộc về ngành Quan hệ công chúng (28,6 điểm - tương đương 9,53 điểm/môn), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng xếp thứ 2 (28,2 điểm).
Các ngành hot có điểm chuẩn cao nằm trong top đầu 3 năm qua của ĐH Kinh tế quốc dân có thể kể đến: Marketing (27,55 - 28,15 điểm), Kinh doanh quốc tế (27,8 - 28,25 điểm), Thương mại điện tử (27,65 - 28,1 điểm), Kiểm toán (27.55 - 28,1 điểm).
Những ngành có điểm đầu vào “dễ thở” nhất tại NEU cho các sĩ tử bao gồm Quản lý đất đai, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kinh tế nông nghiệp, Kinh doanh nông nghiệp lấy khoảng 26 điểm năm 2022.
Các ngành học lấy điểm hệ số 2 Tiếng Anh cũng có điểm chuẩn ở mức cao. Năm 2022, điểm các ngành này dao động 34,6 - 38,15 điểm (tương đương 8,65 - 9,5/môn), cao nhất là ngành POHE - Truyền thông Marketing. Ngành có điểm dẫn đầu năm 2021 và 2020 lần lượt là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC) với 37,55 điểm và Ngôn ngữ Anh với 35,6 điểm.
Nhìn chung các ngành tại ĐH Kinh tế quốc dân trong 3 năm gần đây không có mức biến động lớn qua, đặc biệt là các ngành hot thường giữ vững phong độ hoặc chỉ giảm nhẹ 0,25 điểm.
3. Điểm chuẩn HV Tài chính
Năm 2022, điểm chuẩn Học viện Tài chính dao động 25,45 - 34,32 điểm, giảm nhẹ so với năm 2021 từ 0,65 – 1,9 điểm. Xét trên thang điểm 40, điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh với 34,32 điểm (tiếng Anh hệ số 2), kế tiếp là ngành Hải quan & Logistics chất lượng cao có điểm chuẩn 34,28 điểm (tiếng Anh hệ số 2).
Năm 2021, Hải quan & Logistics chất lượng cao cũng là ngành đứng đầu Học viện Tài chính với 36,22 điểm (tiếng Anh hệ số 2). Đáng chú ý, ngành Kiểm toán được coi là thế mạnh của Học viện Tài chính năm 2021 có mức độ biến động điểm mạnh nhất, tăng đến 4,73 điểm so với năm 2020 (từ 31 điểm lên 35,73 điểm, tiếng Anh hệ số 2). Năm 2020, “ông lớn kinh tế” này lấy 24,85 - 32,7 điểm với ngôi vương thuộc về ngành Ngôn ngữ Anh (32,7 điểm, tiếng Anh hệ số 2).
Xét trên thang điểm 30, các ngành chương trình hệ chuẩn của HV Tài chính không có chênh lệch quá lớn trong 3 năm. Đặc biệt, có một ngành hot của trường luôn giữ được mức điểm ổn định trên 26 điểm trong cả 3 năm là ngành Kế toán, điểm dẫn đầu năm 2020 và 2022.
4. Điểm chuẩn HV Ngân hàng (BA)
Đặc biệt năm 2022, điểm chuẩn của ngành này đạt mức kỷ lục, 28,05 điểm. Điều này đồng nghĩa, thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn không thể trúng tuyển chuyên ngành hot này.
Năm 2020, điểm chuẩn của BAV dao động quanh ngưỡng 21-25,6 điểm, ngoại trừ ngành luật kinh tế xét theo khối C00, D14 và D15 có sự đột biến, với mức 27 điểm. Nhìn chung các ngành trên 25 điểm đều thuộc thế mạnh của trường, như Kế toán, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh hay Kinh tế.
Sang đến năm 2021, điểm chuẩn của BAV tăng mạnh. Ngành có mức tăng điểm mạnh nhất là Kế toán được đào tạo theo mô hình liên kết với ĐH Sunderland, Vương quốc Anh và được cấp song bằng HVNH và ĐH Sunderland với mức tăng lên đến 2,8 điểm.
Gần đây nhất, năm 2022, điểm chuẩn các chuyên ngành dao động ngưỡng 24-28,0 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Kế toán được đào tạo theo mô hình liên kết với ĐH Sunderland, Vương quốc Anh và được cấp song bằng HVNH và ĐH Sunderland với mức 24 điểm.