Đất đấu giá liên tục lập đỉnh mới
Dù thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng, ít thanh khoản, nhưng gần đây, phân khúc đất đấu giá tại vùng ven đô lại ghi nhận sự sôi động. Các thửa đất đấu giá hầu hết có giá trúng cao gấp 2-5 lần giá khởi điểm.
Tại huyện Mê Linh, đầu tháng 8 vừa qua, cả 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đã đấu giá thành công. Trong đó, thửa đất có giá trúng cao nhất là 70,3 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về gần 76 tỷ đồng.
Cũng tại địa bàn này, 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã được mang ra đấu giá. Giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng/m2 đến 35,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm.
Đáng chú ý, lô đất có diện tích 129,7m2 ở vị trí lô góc có mức trúng cao nhất lên đến 85,5 triệu đồng/m2, tương đương 11,1 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giá khởi điểm. Hay lô đất có diện tích lô đất 95,6m2, giá trúng lên tới 75,5 triệu đồng/m2, tương đương 7,22 tỷ đồng.
Mức giá đỉnh 85 triệu đồng/m2 tại huyện Mê Linh trên đã bị phá bỏ khi phiên đấu giá đất 33 lô đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông mức giá cao nhất lên tới hơn 93 triệu đồng/m2. Cụ thể, lô LK-B-01 có diện tích 160m2, giá trúng lên tới 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng, chênh 8,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Bên cạnh đó, lô đất LK-A-01 có diện tích 193m2, giá trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng.
Không chỉ ở huyện Mê Linh, mới đây, tại huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá 42 lô đất, giá khởi điểm từ 8 - 48,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá trúng cao gấp 2 - 5 lần so với giá khởi điểm. Cá biệt, lô đất LK1-03 có diện tích 99,5m2, giá khởi điểm 12,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng lên tới 66,8 triệu đồng/m2, tương đương 6,6 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với giá khởi điểm.
Tại huyện Đông Anh, phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ đã đấu giá 18 thửa đất với diện tích 1.438,1m2. Giá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tuỳ theo diện tích và vị trí. Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá, với giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 46,8 triệu đồng/m2. Sau đấu giá, tổng số tiền thu về gần 100 tỷ đồng.
Tại khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch khách hàng tham gia đấu giá 5 thửa, khởi điểm 47 - 53,8 triệu đồng/m2. Kết quả thửa đất có giá trúng cao nhất là 106,9 triệu đồng/m2, thửa có giá thấp nhất là 97,4 triệu đồng/m2, gấp đôi so với giá khởi điểm. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là trên 39,5 tỷ đồng.
Còn tại khu đất X7 thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, khách hàng tham gia đấu giá 10 thửa, khởi điểm từ 20,8 đến 22,8 triệu đồng. Kết quả giá trúng cao nhất là 45,6 triệu đồng, cao hơn gấp đôi giá khởi điểm. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá gần 39,5 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Sau khi các phiên đấu giá kết thúc, người trúng sẽ rao bán ngay lập tức với mức giá chênh 50 - 200 triệu đồng/lô, tùy vị trí.
Giá có thể sẽ tiếp tục tăng
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt nam cho biết đấu giá đất tăng cao là câu chuyện hiển nhiên, nhưng quan trọng sau khi tăng giá cao thì liệu có người mua hay không. Thực tế bây giờ đấu giá xong có ít người lấy bất động sản đó sử dụng để ở, mà đa phần đấu để lấy bất động sản đó mang kinh doanh bán lại.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, nguồn cung bất động sản đang hạn hẹp trong khi đó nhu cầu vẫn tăng lên, điều này làm cho thị trường bất động sản tăng giá, có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, đất sau đấu giá liên tục đạt ngưỡng kỷ lục chứng tỏ nguồn cung đang rất thiếu, mảnh đất sẽ thuộc về người có nhu cầu. “Với tâm lý như hiện nay, người tham gia đấu giá đất cho rằng nguồn cung hạn chế, nhu cầu ở và đầu tư rất nhiều nên giá đất đấu giá tăng cao là điều tất yếu, mức giá sẽ thiết lập dựa trên quan hệ cung-cầu”, ông Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần có biện pháp ngăn chặn người tham gia đấu giá trả quá cao để phục vụ mục đích sinh lời cá nhân, thổi giá đất xung quanh bán kiếm lời rồi bỏ cọc.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: "Đấu giá đất đang bị lợi dụng để thao túng thị trường. Hành vi thao túng thị trường thông qua đấu giá đất sẽ làm cho thị trường méo mó, làm lũng đoạn thị trường, rõ ràng là không tốt. Mặc dù chúng ta đã có những quy định pháp luật về việc đấu giá, nhưng vẫn có những lỗ hổng trong đấy, đặc biệt là việc lợi dụng các hoạt động đấu giá để trục lợi, để thao túng thị trường thì chưa có những quy định gì để xử lý".
Thực tế thời gian qua, giới đầu tư bất động sản có nhiều chiêu bài để kích giá, tạo cơn sốt đất, nhằm thu được lợi nhuận cao trong các hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại đất đai. Một số doanh nghiệp trả giá "trên trời", cao gấp nhiều lần giá thị trường, sau đó bỏ cọc thì đó lại là điều rất bất thường, đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.