Trong một bài viết gần đây, tờ DW của Đức đã cố gắng lý giải vì sao Thái Lan, Malaysia và có thể là nhiều quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác sẽ gia nhập BRICS. Trong khi Bangkok và Kuala Lumpur đã đưa ra những lý giải của riêng mình, tờ báo Đức cũng nêu ra những luận điểm giải thích tại sao khối kinh tế mà Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những thành viên chủ lực có khả năng hấp dẫn những nền kinh tế khác trong ASEAN.
Dù là tờ báo của một quốc gia phương Tây góp mặt trong cả G7 và NATO, DW khẳng định việc các nước gia nhập BRICS là một động thái thuần về kinh tế chứ không phải chọn phe. Ý kiến của các chuyên gia, nhà lãnh đạo hàng đầu về khu vực Đông Nam Á cũng đã được tờ báo Đức trích dẫn nhằm làm sáng tỏ cho những quan điểm của bài viết.
Trong tháng 6, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS - khối kinh tế do Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Brazil khai sinh nhiều năm trước. Tiếp sau đó, Malaysia cũng chính thức nộp đơn. Bản thân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng chia sẻ về ý định này từ rất sớm, trước cả khi văn bản chính thức được gửi đi.
“Trở thành thành viên của BRICS sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao không?. Khối này có thành viên khắp thế giới nhưng chưa có thành viên nào từ Đông Nam Á”, Piti Srisangam, giám đốc điều hành của Quỹ ASEAN, cho biết.
Trong khi đó, James Chin, giáo sư Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Tasmania, nhận định cả Thái Lan và Malaysia đều là những nền kinh tế tầm trung của cả thế giới. Việc tham gia các nhóm như BRICS không chỉ khiến tiếng nói của họ lớn hơn trên trường quốc tế mà còn mang lại những lợi ích kinh tế, thương mại không thể bỏ lỡ.
Năm ngoái, BRICS đã có một quyết định quan trọng là mở rộng thành viên. Từ 5 quốc gia ban đầu, BRICS đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tên nhóm vẫn là BRICS nhưng có thể được gọi là BRICS+. Tổng cộng, các thành viên của khối chiếm 45% dân số thế giới, vào khoảng 3,5 tỷ người.
Dữ liệu mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy nền kinh tế BRICS đạt khoảng 30 nghìn tỷ USD, khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.
Theo Rahul Mishra, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, khối này có thể giúp nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia phát triển nhanh hơn bằng cách cho phép nước này hội nhập với các quốc gia có nền kinh tế kỹ thuật số lớn mạnh và cũng tận dụng được cơ hội gia tăng thực hành với các thành viên khác”.
“Thái Lan cũng có thể thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm dịch vụ, sản xuất và nông nghiệp”, ông Mishra nói thêm.
Trong khi đó, Giáo sư Chin tin rằng mối quan hệ thương mại mà Malaysia và Thái Lan đã có với Trung Quốc phần nào ảnh hưởng tới quyết định gia nhập BRICS của hai quốc gia này.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia lớn nhất trong 15 năm qua và là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan trong suốt 11 năm. Và mối quan hệ đó chắc chắn sẽ được củng cố nếu họ trở thành thành viên của BRICS.
Trong tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa đã nhấn mạnh rằng Bangkok không coi việc gia nhập BRICS là động thái “chọn phe” hay để cân bằng với bất kỳ khối nào khác.
“Thái Lan là quốc gia độc đáo ở chỗ chúng tôi làm bạn với mọi đất nước và không phải kẻ thù của bất cứ quốc gia nào. Chúng tôi có thể đóng vai trò là cầu nối giữa các nước đang phát triển với các thành viên BRICS”, Bộ trưởng Maris nói.
Ngoài BRICS, Thái Lan cũng đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris. Tổ chức này hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các quốc gia phương Tây.
“Các nền kinh tế nhỏ và vừa không có nhiều cơ hội lựa chọn. Những gì Thái Lan đang làm là một hành động cân bằng, một chân với các tổ chức mà phương Tây ủng hộ và chân còn lại là với các nền kinh tế mới nổi”, ông Piti cho biết.
Malaysia có thể cũng là câu chuyện tương tự dù khảo sát gần đây của Viện ISEAS-Yusof Ishak, một nhóm nghiên cứu của Singapore, cho thấy dư luận nước này có vẻ ủng hộ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nhiều chuyên gia tin rằng câu trả lời là có bởi lợi ích mà các nước Đông Nam Á có thể nhận được. Trên thực tế, sức hấp dẫn của khối không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Phó giáo sư Mishra tin rằng Việt Nam, Lào và Campuchia có thể là những ứng viên tiềm năng gia nhập BRICS bởi các quốc gia này đều có mối quan hệ tốt với các thành viên chủ chốt của khối là Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.
“Với Việt Nam, quốc gia đã ghi nhận các khoản đầu tư đáng kể, gia nhập BRICS sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại của họ ra các thị trường phi truyền thống như Trung Đông, Mỹ Latin và châu Phi”, Phó giáo sư Mishra nói thêm.
Về việc gia nhập BRICS, hồi tháng 5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ quá trình mở rộng thành viên của BRICS”.
Ngoài ra, một quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang cân nhắc những ưu và nhược điểm với tư cách thành viên BRICS là Indonesia. Trước thềm hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi hồi năm ngoái, đã có đồn đoán cho rằng Indonesia, quốc gia Đông Nam Á duy nhất là thành viên G20 và đang xúc tiến quá trình gia nhập OECD, sẽ trở thành thành viên mới của BRICS.
Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nói với công chúng rằng Chính phủ của ông đã quyết định chưa nộp thư gia nhập khối. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi cho biết trong cuộc họp hồi tháng 1: "Jakarta vẫn đang cân nhắc những ưu và nhược điểm với tư cách thành viên BRICS.
Tham khảo: DW