Bánh mỳ Xin Chào bán tại Nhật: Tăng trưởng 170%/năm vẫn bị các Shark từ chối, phải cam kết 3 điều để nhận “deal” 500.000 USD từ Shark Bình

Tri Túc | 07:54 03/10/2023

Nếu như Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 20% cổ phần thì Shark Bình cho biết ông sẽ đầu tư 500.000 USD để 15% cổ phần với điều kiện trong 2 năm startup phải phát triển được 50 cửa hàng, có 1 cửa hàng chính và một food truck (xe tải thực phẩm).

Bánh mỳ Xin Chào bán tại Nhật: Tăng trưởng 170%/năm vẫn bị các Shark từ chối, phải cam kết 3 điều để nhận “deal” 500.000 USD từ Shark Bình

Bánh mì Xin Chào là thương hiệu bánh mì Việt Nam tại Nhật Bản do Bùi Thanh Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy cùng sáng lập. Đây là chuỗi cửa hàng bao gồm cửa hàng nhượng quyền chuyên phục vụ bánh mì và các món ăn của Việt Nam tại Nhật Bản.

Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hai anh em là cựu du học sinh Nhật Bản, đã có 10 năm sinh sống và làm việc tại đất nước này. Trong một lần đến Tokyo chơi, nhìn thấy một hàng người dài xếp hàng mua Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, Thanh Tâm nảy ra ý tưởng mang ẩm thực đường phố của Việt Nam khởi nghiệp ở Nhật Bản, đồng thời cũng là cách để quảng bá văn hóa của nước mình ra thế giới.

Nhận được sự ủng hộ của anh trai, cửa hàng nhỏ phục vụ bánh mì hương vị truyền thống Việt Nam mang tên Bánh mì Xin Chào đã ra đời vào tháng 10/2016 trên dãy phố Waseda Dori - một con phố ẩm thực sầm uất ở Tokyo. Sau 7 năm, đến nay Bánh mì Xin Chào đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.

Xuất hiện tại Shark Tank mùa 6, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bùi Thanh Tâm kêu gọi các Shark đầu tư số tiền là 500.000 USD cho 9% cổ phần. Anh cho biết, lý do đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn là nhằm xây dựng một thương hiệu F&B Việt, đẳng cấp, tầm cỡ, không phải chỉ ở Nhật Bản mà còn vươn ra thế giới.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình hỏi về bức tranh tài chính, Thanh Tâm cho biết Bánh mì Xin Chào tăng trưởng liên tục 170% trong 5 năm liên tiếp. Trong 3 năm gần đây, doanh thu năm 2020 bao gồm cả hàng quản lý và nhượng quyền là 550.000 USD, năm 2021 là 950.000 USD và năm 2022 là 1,45 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 11%.

Trong hệ thống 15 cửa hàng, có 5 cửa hàng do anh em Thanh Duy, Thanh Tâm làm chủ và 10 cửa hàng còn lại là nhượng quyền. Đối tác cần chi trả khoảng 20.000 USD để được nhượng quyền thương hiệu Bánh mì Xin Chào trong 5 năm, 40.000 USD cho việc setup và các chi phí khác liên quan đến mặt bằng và đặt cọc. Như vậy, để có một cửa hàng nhượng quyền sẽ tốn khoảng 70.000 - 80.000 USD, có những cửa hàng cần trên 100.000 USD nhưng doanh thu đạt được sẽ là khoảng 45.000 USD.

Các cửa hàng nhượng quyền sẽ nhận nguyên liệu chính từ bếp trung tâm của Bánh mì Xin Chào và tự làm các loại rau đơn giản như hành, ngò, đồ chua. Để đảm bảo chất lượng, tất cả nguyên liệu sau khi chế biến sẽ cấp đông ở nhiệt độ âm 23 độ C và bảo quản ở nhiệt độ tương tự tại cửa hàng nhượng quyền. Tùy vào số lượng khách sẽ rã đông mỗi ngày để phục vụ.

xinchao.jpeg
Một cửa hàng Bánh mì Xin Chào tại Nhật.

Hiện tại, Bánh mì Xin Chào quản lý tồn kho theo hình thức chuyển hết hàng theo thứ tự các cửa hàng rồi mới bắt đầu làm sản phẩm mới và vẫn chưa ứng dụng công nghệ nào để quản lý vấn đề này.

Lý giải nguyên nhân định giá doanh nghiệp là 5 triệu USD, Thanh Tâm cho biết startup của mình hướng đến mục tiêu doanh thu năm 2023 là trên 2 triệu USD, năm 2025 là 50 cửa hàng và doanh thu 6 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đó, Thanh Tâm dự kiến sẽ mở rộng mô hình kinh doanh theo hướng franchise (nhượng quyền).

Khi em muốn franchise tốc độ nhanh thì em phải có một đội ngũ vận hành cực kỳ mạnh bao gồm cả từ việc đi tìm địa điểm, hỗ trợ, setup, chạy marketing giai đoạn đầu và vận hành 3 - 6 tháng xong chuyển giao thì mới nhanh được. Cái thứ 2 là công cụ quản lý vận hành cho các franchise em phải chú ý bởi hiện nay là chưa có”, Shark Hưng bày tỏ quan điểm.

Trước chia sẻ này, Thanh Tâm cho rằng: “Hiện nay Bánh mì Xin Chào đã giải quyết được bài toán mà đa phần các doanh nghiệp F&B Nhật đều gặp phải thứ nhất là về chất lượng, thứ hai là về địa điểm, thứ ba là khách hàng và thứ tư là khả năng mở rộng”.

Tuy nhiên những chia sẻ của Thanh Tâm chưa đủ sức thuyết phục vị “Cá mập” khó tính của Shark Tank. “Góc độ là một nhà đầu tư thì anh chưa nhìn thấy khả năng tăng trưởng với tốc độ nhanh. Con số của em offer cho bọn anh cũng không hấp dẫn. Bây giờ em đang lãi 150.000 USD. Em chia cho anh 9% là khoảng 14.000 USD. Bỏ ra 500.000 USD thì không biết bao giờ anh thu hồi được vốn”, Shark Hưng chia sẻ và từ chối đầu tư.

Shark Tuệ Lâm và Shark Erik cũng lần lượt từ chối thương vụ với lý do tương tự.

Chỉ có Shark Bình và Shark Hùng Anh quan tâm và đưa ra đề nghị đầu tư cho Bánh mì Xin Chào. Nếu như Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 20% cổ phần thì Shark Bình cho biết ông sẽ đầu tư 500.000 USD để 15% cổ phần với điều kiện trong 2 năm startup phải phát triển được 50 cửa hàng, có 1 cửa hàng chính và một food truck (xe tải thực phẩm).

Sau khi trao đổi với anh trai, Thanh Tâm đã đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình. Thương vụ thành công với kỳ vọng một thương hiệu F&B thuần Việt phát triển mạnh mẽ, đẳng cấp ở thị trường Nhật Bản.


(0) Bình luận
Bánh mỳ Xin Chào bán tại Nhật: Tăng trưởng 170%/năm vẫn bị các Shark từ chối, phải cam kết 3 điều để nhận “deal” 500.000 USD từ Shark Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO