Tháng 3 năm 2020, Ủy ban Giáo dục Thành phố Thượng Hải , Trung Quốc ban hành chính sách tuyển sinh mới với một trong những điểm cốt lõi là các trường công lập và trường tư thục phải tuyển sinh đồng thời. Nếu như trước đây, các trường học tư thục thường sẽ được tổ chức tuyển sinh sớm hơn và xét duyệt hồ sơ dựa vào thành tích của học sinh. Do đó, phụ huynh ở Thượng Hải sẽ có xu hướng cho con nộp hồ sơ tại các trường này trước.
Nhưng theo chính sách mới ở thời điểm đó, các trường công lập ở Thượng Hải lần lượt được nâng cao chất lượng, cộng thêm thời gian tuyển sinh trùng nhau khiến cho nhu cầu và nguyện vọng của cả học sinh và phụ huynh thay đổi. Điều này dẫn đến giá nhà đất ở các khu trường học tăng nhanh một cách chóng mặt.
Vào thời điểm đó, giá tại một căn chung cư cũ và nhỏ khu vực gần các trường học đã tăng từ 100.000 NDT (tương đương 330,7 triệu VNĐ)/m2 lên 250.000 NDT (tương đương 826,8 triệu VNĐ)/m2. Đến tháng 1 năm 2021, giá nhà ở khu vực này vẫn tiếp tục tăng và không có dấu hiệu dừng lại.
Trong bối cảnh ấy, Triệu Tĩnh, một phụ huynh tại Thượng Hải đã chi hơn 7 triệu NDT (tương đương 23,1 tỷ VNĐ) để mua một căn nhà rộng 66 mét vuông, mục đích là "tiện cho con đi học".
Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng, giá của một căn hộ cùng loại trong khu chỉ còn khoảng 6,2 triệu NDT (tương đương 20,5 tỷ VNĐ). Cái giá này khiến Triệu Tĩnh cảm thấy rất "đau đầu". Bởi ban đầu, cô đã bất chấp mọi lời phản đối của gia đình để mua một căn hộ 1 phòng ngủ ở đây. Nhưng không ngờ chỉ sau hai tháng, giá nhà trong khu nhà này lại trượt giá thảm hại như vậy. Giờ đây, cả gia đình chen chúc trong một căn hộ chỉ có một phòng ngủ giúp Triệu Tĩnh có cái nhìn lý tính hơn về việc phụ huynh mua nhà khu trường học cho con.
Bất chấp ý kiến cả gia đình để mua nhà chỉ vì một tin đồn
Tính đến hiện tại, Triệu Tĩnh đã đến Thượng Hải sinh sống được 15 năm. Vợ chồng cô sống cùng bố mẹ chồng trong một căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 125m2. Cuộc sống của cô khi ấy khá thoải mái, do mua nhà sớm nên tiền chi trả cho khoản mua nhà cũng không quá nhiều, hoàn toàn có thể dùng tiền tiết kiệm để bù vào. Thậm chí, cô còn dư giả một khoản nhỏ, nên cuộc sống khá thoải mái. Thế nhưng, sự thoải mái ấy đã dần bị phá vỡ khi cô sinh con đầu lòng năm 2016.
Sự ra đời của đứa bé đồng nghĩa với việc giáo dục và học hành của đứa trẻ trở thành một chuyện "đại sự" của cả gia đình. Câu hỏi được đặt ra là liệu có cần mua nhà khu trường học hay không. Và câu trả lời đã được đưa ra sau khi cả nhà bàn bạc: không mua. Bởi từ đầu, vợ chồng Triệu Tĩnh đã dự định sẽ cho con học tại trường tư thục thay vì trường công.
Thế nhưng, sự ra đời của chính sách mà Ủy ban Giáo dục Thượng Hải ban hành đã nhắc ở trên, đã hoàn toàn phá vỡ dự định ban đầu của Triệu Tĩnh. "Các bậc học từ mầm non lên tiểu học và từ tiểu học lên trung học sẽ được tuyển sinh cùng lúc. Các trường tư thục sẽ không được tuyển sinh trước thông qua các kỳ thi. Nếu số ứng viên của các trường tư thục vượt quá chỉ tiêu, sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên dựa vào bốc thăm bằng máy tính. Những ứng viên còn lại sẽ được chỉ định trường học ngẫu nhiên".
Chính sách này đã làm dấy lên một nỗi lo trong Triệu Tĩnh. Bởi nếu cô cứ đánh cược như kế hoạch ban đầu, nếu con cô không trúng trường tư thục thì sao? Chẳng bằng cố gắng cho nó vào một trường công chất lượng cao từ bây giờ!
Quan điểm của Triệu Tĩnh về việc có nên mua nhà gần trường học đã bắt đầu thay đổi: cô bắt đầu ủng hộ ý kiến mua nhà gần trường học. Nhưng ngược lại, gia đình cô lại không đồng tình với quan điểm này. Bởi nếu dựa vào điều kiện kinh tế hiện tại của họ, muốn mua cũng chỉ có thể mua những căn nhà cũ và nhỏ. Điều này đồng nghĩa gia đình cô sẽ phải hy sinh sự thoải mái vốn có, vì vậy họ phản đối cũng là điều dễ hiểu.
"Nhưng lúc đó tôi giống như bị thôi miên vậy, nhất quyết mua cho con một căn nhà ở khu gần trường học. Tôi không muốn con mình thua ngay ở vạch xuất phát! " Triệu Tĩnh chia sẻ. " Vì vấn đề này mà chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp gia đình. Mọi người đều cho rằng chỉ cần con tôi chăm chỉ thì vào sẽ vào được trường tốt. Nhưng tỉ lệ chọi rất gay gắt. Trong trường hợp không có nhà ở khu trường học, nếu đứa trẻ không vào được cấp ba mà phải học tại một trường nghề thì tôi phải làm sao?".
Những lo lắng này của cô không phải vô căn cứ khi việc xét tuyển sinh theo khu vực không phải là vấn đề xa lạ tại Trung Quốc. Sau cùng, gia đình của Triệu Tĩnh đành nhượng bộ và chấp nhận mua nhà khu trường học theo ý cô.
Giá nhà tăng nhanh vì nhu cầu mua nhà gần trường học
Việc mua nhà trong khu trường học đồng nghĩa với việc Triệu Tĩnh sẽ phải bán căn nhà ba phòng ngủ, 125m2 đi. Dù rất nhiều tiếc nuối. Nhưng với quyết tâm mua được nhà khu trường học, Triệu Tĩnh hy vọng có thể sớm bán được nhà để giảm áp lực tiền đặt cọc tại căn nhà mới.
Nhưng một tuần sau khi ngôi nhà được đăng bán, số người đến xem nhà ít hơn dự kiến, chỉ khoảng một hoặc hai nhóm người đến xem nhà. Hơn nữa, biết được Triệu Tĩnh đang cần bán gấp, không ít người mặc cả giá nhà xuống thấp hơn kỳ vọng rất nhiều. Điều này khiến Triệu Tĩnh rất sốt ruột. Nhưng việc học của con cô cũng không thể chậm trễ thêm, cô cần ổn định được nhà mới trước tháng 3 năm 2021. Bởi vì có một mục trong chính sách tuyển sinh: trẻ em trong độ tuổi đi học (nhập học vào năm 2022) cần đăng ký tuyển sinh tại khu vực tương ứng của trường trước một năm. Con của Triệu Tĩnh sẽ bắt đầu học tiểu học vào năm 2022, vì vậy cô không còn nhiều thời gian nữa.
Ảnh minh họa
Cuối cùng, căn nhà của Triệu Tĩnh đã được bán với tổng giá 5,68 triệu NDT (tương đương 19,3 tỷ VNĐ). Đây đáng lẽ nên là một chuyện vui, nhưng không, bởi giá nhà trong khu trường học giờ đây đã tăng lên 2 triệu NDT (tương đương 6,6 tỷ VNĐ) so với ban đầu, vượt xa khả năng của gia đình Triệu Tĩnh!
Thấy vậy, Triệu Tĩnh vội vã tìm một khu nhà ở mục tiêu mới càng sớm càng tốt, vì vậy cô xem rất nhiều nhà mỗi ngày. Sau khi xem hơn 50 ngôi nhà, Triệu Tĩnh mới chốt mua được 1 căn nhà quyền sở hữu 70 năm, giá cả thấp. Quan trọng nhất là nó được xét trong diện nhà ở khu trường học và nằm trong diện quản lý tuyển sinh của Trường Thực nghiệm Đông Trường, Thượng Hải. Đây là một trường công lập với hệ thống liên thông trường tiểu học và trung học cơ sở, thành tích trong các kỳ thi tuyển sinh THPT tại các trường trọng điểm trong khu vực lên tới hơn 80%.
Căn nhà này có giá hơn 7 triệu NDT (tương đương 23,1 tỷ VNĐ), diện tích 66m2. Mặc dù không quá thỏa mãn với cơ sở vật chất xung quanh và quản lý, nhưng là lựa chọn tốt nhất cho kế hoạch học tập của con. Tháng 3 năm 2021, cuối cùng Triệu Tĩnh cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi gia đình bắt đầu ổn định ở đây.
Xôi hỏng bỏng không
Nhưng chỉ vài tháng ngày sau khi Triệu Tĩnh mua căn nhà, Ủy ban Giáo dục thành phố Thượng Hải đã công bố một chính sách mới, đồng nghĩa với việc nhà ở khu trường học sẽ không quá ảnh hưởng đến việc tuyển sinh trung học nữa. Thị trường nhà ở khu trường học hạ nhiệt dần. Hiện giá niêm yết của những căn nhà cùng diện tích trong khu dân cư của Triệu Tỉnh chỉ khoảng 6,2 triệu NDT (tương đương 20,5 tỷ VNĐ). Điều này không khỏi khiến Triệu Tĩnh có chút lo lắng.
Ảnh minh họa
Khi mua căn nhà, Triệu Tĩnh đã bỏ ra một chi phí kha khá để sửa lại nội thất, nhưng sau cùng vẫn chỉ là căn nhà một phòng ngủ. Mọi chuyện tưởng chừng như bình thường cho đến khi dịch bệnh ập đến. Do phải làm việc ở nhà, Triệu Tĩnh mới cảm nhận căn nhà mới "nhỏ bé" như thế nào. Ba thế hệ cùng chung sống sinh hoạt trong 24 giờ một ngày, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn. Và khi mâu thuẫn xảy ra thì việc tìm cho mình một không gian để yên tĩnh là điều xa xỉ.
Dù sao thì con cô đã thành công vào Trường Thực nghiệm Đông Trường, Thượng Hải. Việc con bắt đầu học tiểu học là mục tiêu cốt lõi để cô ấy mua căn nhà này, và mục tiêu đã đạt được. Tuy nhiên giá nhà giảm mạnh, cuộc sống gia đình bất tiện trong không gian nhỏ khiến Triệu Tĩnh vô cùng hối hận.