Các ông lớn thương mại nhanh càn quét khiến những tiểu thương buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ tại các khu phố Ấn Độ gặp khó khăn để tồn tại.
Cửa hàng tạp hóa lao đao
Mahadev Waghji Patel điều hành cửa hàng Choice Mart trong chín năm tại một khu phố giàu có của Mumbai. Khách hàng quanh đó vẫn thường đến cửa hàng anh mua thực phẩm ngay cả khi các công ty thương mại điện tử như Amazon và Flipkart xâm nhập thị trường từ những năm 2010.
Cửa hàng là nguồn thu nhập chính của Patel để nuôi dạy con cái.
Hai tháng trước, Patel đóng cửa Choice Mart và mở một cửa hàng bán đồ kim khí ở khu phố khác. "Không thể giao hàng miễn phí trong vòng 10 phút", anh nói với Rest of World. "Lựa chọn tốt nhất là đóng cửa và chuyển nghề".
Các cửa hàng kirana của Ấn Độ — một dạng cửa hàng tạp hóa chuyên bán các mặt hàng thiết yếu hàng ngày – từng hiện diện ở hầu hết mọi khu phố trong thành phố — đã thống trị nền kinh tế bán lẻ của đất nước này.
Amazon và Flipkart thực tế không phải là mối lo ngại. Các cửa hàng nhỏ đã đấu tranh chống lại sự xâm lấn của các ông lớn thương mại điện tử này bằng cách hợp tác với chính đối thủ để trở thành nơi lưu hàng và nhận hàng.
Sự xuất hiện của các công ty thương mại nhanh kiểu mới như Zepto, Blinkit, Swiggy Instamart và Dunzo mới chính là thách thức khó lường nhất. Khách hàng thương mại nhanh đặt hàng một cách tự phát, vào những giờ lẻ và mua những thứ kỳ lạ — chẳng hạn như đồ lót hoặc iPhone. Tất cả được giao trong vòng chưa đầy 10 phút. Khách hàng ở đây coi trọng sự tiện lợi và tốc độ hơn giá cả.
Các công ty thương mại nhanh "cung cấp sự tiện lợi của việc mua hàng theo cảm tính chỉ bằng một cú nhấp chuột và giao trong 10 phút", đe dọa sự tồn tại của hơn 1/4 trong số 15 triệu cửa hàng kirana của Ấn Độ, Karan Taurani, nhà phân tích tại Elara Capital, nói với Rest of World.
Trong năm qua, 200.000 cửa hàng kirana đã đóng cửa, theo Liên đoàn các nhà phân phối sản phẩm tiêu dùng toàn Ấn Độ (AICPDF), hiệp hội bán lẻ lớn nhất quốc gia này.
Khó cạnh tranh
Nhiều kirana đang cố gắng giữ chân những khách hàng lâu năm bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà.
Rajesh Gupta, 59 tuổi, làm chủ một cửa hàng tiện lợi nhỏ ở New Delhi trong 28 năm. Gần đây, ngày càng ít khách đến mua sắm trực tiếp. Gupta cố giữ chân họ bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí cho những người sống trong phạm vi vài trăm mét tính từ cửa hàng. "Chúng tôi không tính phí giao hàng ngay cả khi đơn hàng chỉ là một chai soda", ông nói.
Nhưng chiến lược này không hiệu quả với của hàng Choice Mart của Patel. "Chai soda có giá 25 rupee trên Zepto, ở cửa hàng tôi thì chỉ có 20 rupee, nhưng nhân viên giao hàng phải mất 20 đến 25 phút để giao hàng", anh nói.
"Lâu thế thì khách hàng hủy đơn". Vào thời kỳ đỉnh cao, Patel có 12 nhân viên. Một số nhận vai trò giao hàng, nhưng tình trạng giao thông và thiếu bãi đậu xe ở Mumbai khiến Patel không thể đảm bảo giao hàng trong vòng 10 đến 15 phút.
Giá cả cũng là một mối quan tâm. Khi Patel gợi ý một sản phẩm mới cho khách, họ nói có thể mua thứ đó trực tuyến với giá rẻ hơn nhiều. Và họ đã đúng. Bản thân Patel đôi khi cũng mua sản phẩm trực tuyến để bán lại trong cửa hàng của mình, rẻ hơn so với việc mua thông qua các nhà phân phối trong chuỗi cung ứng bán lẻ.
Nhưng chính mức giá thấp mà các công ty thương mại nhanh đưa ra lại "gây sự nhầm lẫn cho khách hàng", Dhairyashil Patil, chủ tịch AICPDF phân tích.
Nhiều khách hàng cho rằng chủ cửa hàng tạp hóa đã bán đắt cho họ trong gian dài. Nhưng sự thật là các doanh nghiệp thương mại nhanh cố tình đặt mức giá thấp để thiết lập thế độc quyền trên thị trường.
Các công ty này kiếm được biên lợi nhuận cao hơn bằng cách lấy hàng trực tiếp từ các thương hiệu thay vì các nhà phân phối và bán buôn.
Trong vài tháng qua, AICPDF đã viết thư cho Bộ thương mại, thúc giục ban hành Dự luật Cạnh tranh Kỹ thuật số, nhằm mục đích thiết lập giá bán tối thiểu và hạn chế chiết khấu quá mức, bảo vệ sự tồn tại của các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.
Vẫn có lợi thế
Ở một số khía cạnh, các cửa hàng kirana vẫn có lợi thế so với những gã khổng lồ thương mại nhanh. Đầu tiên, họ linh hoạt hơn trong việc bán và hoàn tiền các mặt hàng.
Patel cho biết cửa hàng của anh có thể bán 100 đĩa giấy cho một bữa tiệc sinh nhật — nhưng nếu chỉ sử dụng 75 đĩa, anh sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng 25 đĩa còn lại. Ngược lại, công ty thương mại nhanh như Blinkit có chế độ trả hàng trong vòng 10 phút, nhưng chính sách này chỉ áp dụng cho quần áo và giày dép.
Ở Delhi, một số chủ cửa hàng tự tin vào sự tồn tại của mình. Bảy năm trước, Balwant Singh và mẹ anh điều hành một trong năm cửa hàng tạp hóa ở Delhi. Ngày nay, chỉ còn hai cửa hàng tồn tại.
Tiền thuê nhà thấp ở khu vực thu hút rất nhiều sinh viên và người trẻ đến cư trú, đưa họ lui tới cửa hàng của Singh thường xuyên. Theo thời gian, anh xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với những vị khách này.
"Tôi biết tên, nơi làm việc và quê quán của khách", Singh nói. "Mọi người ở đây không mua hàng với số lượng lớn; họ mua vài điếu thuốc hoặc vài quả trứng, điều không thể làm được khi mua hàng trực tuyến". Anh cho biết hầu hết khách hàng của mình đều không được tiếp cận tín dụng trực tuyến.
Singh, 34 tuổi, có bằng kinh doanh và am hiểu công nghệ. Anh tạo một nhóm WhatsApp cho những khách hàng quen thuộc, nơi nhận đơn đặt hàng và cung cấp các chương trình giảm giá. "Nó cũng giúp chúng tôi theo dõi doanh số bán hàng tốt hơn và giữ liên lạc với khách hàng. Tôi gửi lời chào mừng đến họ vào các dịp lễ và thậm chí còn nhớ một số ngày sinh nhật của khách", anh nói.
Surinder Singh, 55 tuổi, chủ một cửa hàng tiện lợi ở New Delhi nổi tiếng với những khu chung cư cao tầng. Ông vẫn lạc quan về tương lai của mình. Nhiều khách hàng mua ngũ cốc theo cân từ ông với giá cả phải chăng.
"Bạn có thể nhận thấy những tòa nhà cao tầng, nhưng ẩn sau chúng là những khu phố nhỏ và những túp lều, nơi sinh sống của hàng nghìn người phụ thuộc vào chúng tôi để có những nhu yếu phẩm như gạo, đậu lăng, dầu, kem đánh răng và xà phòng", ông nói. "Họ không sử dụng những ứng dụng mua hàng, chúng tôi chính là đường sống của họ".