Bán chuối, bán heo nhưng không đủ bù chi phí tài chính, vì sao Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn lãi lớn?

Huyền Trang | 07:12 28/10/2022

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp HAGL đạt 746 tỷ đồng, không đủ để bù đắp khoản chi phí tài chính hơn 1.228 tỷ đồng, tuy nhiên do hoàn nhập dự phòng phải thu nên HAGL vẫn lãi gần 900 tỷ đồng.

Bán chuối, bán heo nhưng không đủ bù chi phí tài chính, vì sao Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn lãi lớn?

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 1.441 tỷ đồng, tăng 160% so với con số 554 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, trái cây vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, mang lại 577 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán heo tăng gần 200% lên mức 540 tỷ đồng; ngoài ra, doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa cũng đem lại 241 tỷ đồng, tăng 184% so với quý 3/2021.

HAGL báo lãi gộp tăng 59% đạt 281 tỷ đồng; tuy nhiên biên lợi nhuận gộp đi lùi về mức hơn 19% trong quý 3/2022. Thế nhưng lãi sau thuế quý 3 của HAG đạt gần 370 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hoàn nhập dự phòng tiếp tục là cứu cánh cho lợi nhuận của HAGL

Nguyên nhân chính cho kết quả lợi nhuận này là vì chi phí tài chính đã sụt giảm 76% tương ứng giảm hơn 525 tỷ đồng so với cùng kỳ, do Tập đoàn đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư dài hạn trong quý 3. Cùng kỳ năm trước, HAGL phải dự phòng các khoản đầu tư dài hạn lên tới 486 tỷ đồng, nhưng quý này đã hoàn nhập gần 65 tỷ đồng. 

Tính đến 30/9, HAGL đang phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn hơn 455 tỷ đồng cho khoản đầu tư vốn góp vào đơn vị khác 1.050 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào HNG là 1.041 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần HAGL đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 154% và lợi nhuận gộp đạt 746 tỷ đồng, không đủ để bù đắp khoản chi phí tài chính hơn 1.228 tỷ đồng, tuy nhiên do khoản hoàn nhập dự phòng phải thu 1.250 tỷ đồng nên HAGL vẫn lãi sau thuế 892 tỷ đồng, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng công ty mẹ đạt 890 tỷ đồng.

Tương ứng, trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm ngày 30/09/2022, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm mạnh, chỉ còn 336 tỷ đồng – giảm 1.131 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi cũng chỉ còn hơn 24 tỷ đồng, giảm hơn 119 tỷ đồng.

Trong năm ngoái, HAGL cũng hoàn nhập dự phòng hơn 1.000 tỷ để "thu gọn" con số dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi xuống gần 1.400 tỷ đồng so với hơn 2.300 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2021. Đây chủ yếu là các khoản cho vay đối với nhóm công ty HAGL Agrico và các công ty liên quan khác của HAGL.

Các khoản cho vay hàng nghìn tỷ giúp HAGL điều tiết lợi nhuận?

Các khoản cho vay hàng nghìn tỷ đồng của HAGL cho các bên liên quan không chỉ giúp công ty này ghi nhận con số lãi thu từ cho vay hàng trăm tỷ đồng, mà còn trở thành công cụ để công ty điều tiết lợi nhuận trong từng thời kỳ nhờ việc trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng. 

Ví dụ trong quý 3/2022, chi phí quản lý doanh nghiệp của HAGL là -186 tỷ đồng, tăng 276 tỷ đồng so với con số -457 tỷ đồng của cùng kỳ, nguyên nhân được HAGL giải trình do Tập đoàn đã giảm hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.

HAGL không thuyết minh cụ thể hoàn nhập dự phòng cho khoản nào, nhưng thông thường, các khoản trích lập dự phòng phải thu về cho vay sẽ được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

hagl-quy-3.png

Tại thời điểm cuối quý 3/2022, HAGL đang cho vay 6.057 tỷ đồng, trong đó cho các bên liên quan vay 5.825 tỷ đồng, riêng nhóm HNG đã vay 1.512 tỷ đồng. Trong khi đó, HAGL vẫn đang còn gánh nặng nợ vay 8.624 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, tiền lãi cho vay mà HAGL ghi nhận đạt hơn 321 tỷ đồng, còn chi phí lãi vay là 553 tỷ đồng.

Cuối tháng 9, HAGL vừa thông báo đã hoàn tất mua lại trước hạn 605 tỷ đồng trái phiếu cho lô HAGLBOND16.26 tại Ngân hàng BIDV. Ngày hoàn tất trả nợ là ngày 28/9/2022, nguồn tiền từ thu nợ HAGL Agrico và tiền từ HĐKD.

Cùng ngày, HAGL Agrico thông báo đã hoàn tất trả 600 tỷ đồng cho HAGL và chỉ còn nợ doanh nghiệp này 1.520 tỷ. Với số tiền trả đợt này, HAGL Agrico sẽ nhận lại quyền sử dụng đất với diện tích 9.470ha và các tài sản trên đất thuộc sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas (đã bán cho Thaco).

Đại diện HAG cho biết năm 2022 nếu thu hồi hết được nợ từ HNG, Công ty có thể giảm tổng dư nợ ngân hàng xuống dưới 6.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm nay, HAG mục tiêu thực hiện phương án chào bán 162 triệu cổ phiếu, giá bán 10.500 đồng/cp (thấp hơn so với thị giá hiện nay) và dự kiến huy động 1.700 tỷ đồng.

Số tiền thu về HAG sẽ (i) chi gần 800 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động thông qua hình thức cho vay với công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai; (ii) chi 400 tỷ cho công ty Gia súc Lơ Pang để đầu tư dự án trồng cây tại Gia Lai và (iii) chi 500 tỷ đồng để trả nợ gốc khoản trái phiếu trước hạn HAGLBOND16.26.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bán chuối, bán heo nhưng không đủ bù chi phí tài chính, vì sao Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn lãi lớn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO