Bán cho đối tác Singapore, Nova F&B sẽ đổi tên thành In Dining, hướng đến khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining

Tri Túc | 23:31 17/06/2023

Sau khi tái cơ cấu, Nova F&B đổi tên thành IN Dining và được vận hành bởi IN Holdings, đơn vị sở hữu và vận hành các thương hiệu như GEM Center, White Palace Hoàng Văn Thụ, White Palace Phạm Văn Đồng...

Bán cho đối tác Singapore, Nova F&B sẽ đổi tên thành In Dining, hướng đến khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining

Mới đây, một đối tác Singapore đã mua lại Nova F&B, mảng F&B của Novaland và đổi tên thành In Dining. Đối tác này đã ký kết với IN Hospitality để quản lý, vận hành và bên tư vấn, thu xếp thương vụ là VinaCapital.

Trong đó, IN Hospitality - trước đây là CTCP PQC Convention - là đơn vị thành viên của IN Holdings do 2 anh em doanh nhân Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý đã thành lập. 

Chúng tôi đã phỏng vấn về thương vụ này với bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc – hiện là CEO của IN Holdings.

Tại sao In Holdings lại đồng ý tiếp nhận và quản lý Nova F&B?

Được sự giới thiệu của Vinacapital (hiện là cổ đông của IN Holdings) cũng như thấy được tiềm năng phát triển của thị trường ẩm thực Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi đã đồng ý ký kết hợp tác chiến lược về vận hành với đối tác Singapore – là bên tiếp quản Nova F&B. Cho đến nay, quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ với sự ủng hộ của cổ đông, đối tác nhượng quyền cũng như đội ngũ vận hành của cả 2 bên.

Sau khi tái cơ cấu, chúng tôi thống nhất đổi tên Nova F&B thành IN Dining và được vận hành bởi IN Holdings, đơn vị sở hữu và vận hành các thương hiệu như GEM Center, White Palace Hoàng Văn Thụ, White Palace Phạm Văn Đồng, The Log và W Gourmet. 

Bà đánh giá chuỗi nhà hàng hiện tại như thế nào?

Trong hơn 3 năm phát triển tập trung, Nova F&B hiện có 46 cửa hàng đang hoạt động với 18 thương hiệu dần quen thuộc với khách hàng, gồm các thương hiệu tự phát triển như Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge, Tib…, cũng như các thương hiệu nhượng quyền và hợp tác với quốc tế như JUMBO Seafood (Singapore), Crystal Jade Palace (Singapore), Gloria Jean’s Coffees (Úc), hay Sushi Tei (Singapore)…

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của tập đoàn Nova để đưa các thương hiệu có giá trị này về Việt nam cũng như xây dựng và M&A các thương hiệu nội địa.

Tiềm năng của thị trường F&B và định hướng của In Dining khi nhận vận hành chuỗi nhà hàng này?

Euromonitor từng dự báo dân số châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng CAGR 0,8% trong giai đoạn 2016-2025 và đạt 4,4 tỷ người. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Bên cạnh Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Indonesia, Việt Nam cũng là một thị trường giàu tiềm năng cho ngành F&B trong khu vực với tốc độ tăng trưởng dân số trong đó tỷ lệ dân số trẻ cao và thu nhập trung bình ngày càng tăng sẽ đi kèm theo nhu cầu thưởng thức ẩm thực cao cấp của bộ phận dân số này.

Sau khi trải qua 2 năm đại dịch, thị trường F&B đã có rất nhiều biến động. Đặc biệt hậu thời kỳ giãn cách, nhu cầu về ngành này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của nhu cầu nội địa và sự quay lại của khách du lịch quốc tế. Dự báo năm 2023, giá trị thị trường dự kiến sẽ tăng 18% so với năm 2022 và đạt 720 nghìn tỷ đồng. Sau khi hồi phục, thị trường F&B sẽ tiếp tục phát triển cùng tốc độ ổn định, dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt giá trị lên đến 938,3 nghìn tỷ đồng.

Ngành F&B tuy rất hấp dẫn nhưng tính cạnh tranh đang ngày càng gia tăng do đang có rất nhiều thương hiệu ẩm thực thế giới tham gia vào thị trường. Có rất nhiều nhà hàng, chuỗi nhà hàng vẫn đang được mở ra, nhưng các chủ nhà hàng đa số kinh doanh ở góc độ đơn lẻ, tự phát chứ chưa có chiến lược lâu dài nên khó thành công. Thiếu hụt nhân sự chuyên môn có kinh nghiệm trong ngành F&B và áp dụng số hóa cho các tất cả các khâu vận hành cũng là một số vấn đề mà các nhà vận hành cần lưu ý.

Đại diện VinaCapital: “Nếu Golden Gates tập trung vào các thương hiệu trung cấp thì IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining nhiều hơn

Về phía VinaCapital, chia sẻ về việc IN Holdings quản lý và vận hành chuỗi nhà hàng và thức uống của Nova F&B, ông Andy Ho – Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital – cũng chia sẻ: “VinaCapital hiện là cổ đông của IN holdings và đồng hành cùng doanh nghiệp trong 4 năm qua. Chúng tôi hiểu rõ năng lực và nhìn ra cơ hội khi giới thiệu IN Holdings cho đối tác tiếp quản Nova F&B”.

Năm 2022, trong ngành F&B riêng phân khúc nhà hàng full-service thì tốc độ tăng trưởng về doanh số so với cùng kỳ là 12% và phân khúc café/bar thì con số này là 40%.

Đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi sự đóng cửa do Covid-19. Dù là thị trường với tính cạnh tranh khốc liệt nhưng hình thức kinh doanh chuỗi và đặc biệt là chuỗi đồ ăn thì không có nhiều ông lớn. Hiện tại, trên thị trường về chuỗi nhà hàng thì Golden gates là người dẫn đâu về mặt độ phủ, quy mô cửa hàng và doanh thu.

Nếu Golden Gates tập trung vào các thương hiệu trung cấp thì IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining nhiều hơn. Nên tôi tin tưởng rằng IN Holdings với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành sẽ vận hành hiệu quả và nhanh chóng mở rộng quy mô trong 24 tháng tới. VinaCapital với tư cách là cổ đông chiến lược hoàn toàn ủng hộ và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về chiến lược và nguồn vốn để họ có đủ nguồn lực Vận hành và mở rộng chuỗi nhà hàng đồ ăn và thức uống thuộc IN Dining, ông Andy Ho nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bán cho đối tác Singapore, Nova F&B sẽ đổi tên thành In Dining, hướng đến khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO