Bamboo Airways gần hòa vốn trong quý I, các khoản nợ vẫn đeo đẳng

Thủy Tiên | 20:51 10/04/2023

Bamboo Airways công bố tình hình kinh doanh khả quan trong quý I/2023 với kết quả gần đạt điểm hòa vốn. Hãng bay đồng thời đặt mục tiêu có lãi trong hai năm tới và niêm yết vào năm tiếp theo nếu cổ đông chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Bamboo Airways gần hòa vốn trong quý I, các khoản nợ vẫn đeo đẳng
Tính đến quý I năm nay, Bamboo Airways có 30 máy bay và hoạt động hết công suấtẢnh: Martyn Cartledge.

 Nội dung chính:

- Quý I, Bamboo Airways gần đạt điểm hòa vốn.
- ĐHĐCĐ không thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tái cơ cấu các khoản nợ.
- Đại diện hãng bay cho biết kết quả đại hội sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hãng hàng không trong ngắn hạn.

Sáng 10/4/2023, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 với mục đích trình phương án phát hành cổ phần riêng lẻ nhằm tái cấu trúc khoản vay và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, phương án này đã không được thông qua.

Quý I/2023, Bamboo Airways “sắp đạt điểm hòa vốn”

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng cũng cho biết trong quý I, Bamboo Airways gần đạt điểm hòa vốn. Theo ông Trọng, nếu đại hội lần này thông qua phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, tăng vốn, hãng hàng không sẽ tăng thêm 6-8 tàu bay trong năm nay và 10 tàu giai đoạn 2024 - 2026. Qua đó Bamboo sẽ có lãi trong năm 2025 và có thể niêm yết trong năm 2026-2027.

Theo Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải, hãng hàng không đã trải qua 3 năm khó khăn liên tiếp ngay sau khi thành lập do dịch Covid cùng việc cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vướng lao lý. Ông Hải nhận định hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways vẫn tốt trong điều kiện thị trường hiện tại, hãng vẫn duy trì bay. Dù vậy hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bamboo Airways vẫn lỗ, phải huy động từ các nguồn các nhà đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Hiện một trong những chủ nợ quan trọng nhất của Bamboo Airways là chủ tàu bay.

Ông Hải cho biết ban lãnh đạo hãng bay đã nhiều lần đàm phán với các chủ tàu bay để giảm, hoãn các khoản lãi suất… Hiện tại chủ tàu bay vẫn đang hỗ trợ Bamboo Airways, chưa rút tàu bay nào.

Ban lãnh đạo Bamboo Airways vẫn chưa từ bỏ ý định tăng vốn. Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ cần thời gian để bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho Bamboo Airways. Sau khi hoàn thiện, phương án tăng vốn sẽ được trình ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp gần nhất.

Chủ tịch hãng bay thông tin thêm tính đến quý I năm nay, Bamboo Airways có 30 máy bay và hoạt động hết công suất. Ông cho rằng ở Việt Nam chưa có hãng hàng không nào khai thác với hiệu suất như Bamboo Airways.

Năm 2022 vẫn thua lỗ, nợ đối tác hàng nghìn tỷ đồng

ĐHĐCĐ bất thường chưa công bố báo cáo tài chính cũng như kết quả kinh doanh, các khoản nợ cụ thể của Bamboo Airways ngoài thông tin “sắp đạt điểm hòa vốn” trong quý I/2023. 

atu-1681107131-1681107139-2889-1681107538.jpg
ĐHĐCĐ bất thường của Bamboo Airways sáng nay. Ảnh: VnExpresss

Tại ĐHĐCĐ bất thường đầu tháng 3/2023, tại tài liệu cung cấp cho cổ đông, lãnh đạo FLC - Công ty liên kết của Bamboo Airways, cho biết FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của FLC cũng xác nhận thông tin này. Đồng thời báo cáo cho biết FLC đã dự phòng 1.269 tỷ đồng cho khoản đầu tư nói trên, tăng 768 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022. Thông thường đó là khoản lỗ của công ty nhận khoản đầu tư (ở đây là Bamboo Airways). 

Nếu tính theo tỷ lệ sở hữu mà FLC công bố, khoản lỗ ước tính của Bamboo Airways trong 9 tháng đầu năm 2022 là trên 3.500 tỷ đồng. Khoản lỗ thực tế có thể thấp hơn do tỷ lệ nắm giữ cổ phần của FLC tại Bamboo Airways đã giảm xuống trong năm 2023. 

Các chủ nợ quan trọng nhất của Bamboo Airways là chủ tàu bay, theo ông Nguyễn Khắc Hải. Tuy nhiên dữ liệu này chưa được công bố chi tiết. 

Tại Việt Nam, một “chủ nợ” quan trọng của các hãng bay là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị cung cấp dịch vụ sân bay dân dụng. 

Báo cáo kiểm toán của ACV năm 2022 cho thấy Bamboo Airways nợ ACV 1.230 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022. Trong đó, 857 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán. ACV đã trích lập dự phòng 371 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi từ Bamboo Airways.

Đại diện hãng bay cho biết kết quả đại hội (không thông qua kế hoạch tăng vốn) sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hãng trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên trong dài hạn, dưới áp lực của các khoản nợ vay, nợ thương mại… có thể khiến Bamboo Airways bị thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của hãng bay. 

Mới đây, đại diện Bamboo Airways công bố đã tìm được nhà đầu tư mới thay cho nhóm liên quan cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Nhà đầu tư mới của hãng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm các nghĩa vụ thực hiện thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây. Các cổ đông cũ đã dùng cổ phần của hãng bay này để cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho ông Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.

ĐHĐCĐ bất thường từ chối công bố tên của nhà đầu tư mới này.


(0) Bình luận
Bamboo Airways gần hòa vốn trong quý I, các khoản nợ vẫn đeo đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO